Kinh tế xanh

Chuyển đổi nghề nuôi biển từ khai thác sang nuôi trồng theo hướng bền vững

Thứ ba, 14/2/2023 | 17:29 GMT+7
Ngày 14/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Bình Định và các cơ quan liên quan tổ chức hội thảo “Nghề nuôi biển: Chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh có lợi thế lớn trong phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, do đặc điểm tự nhiên là vùng biển hở, bị ảnh hưởng trực tiếp của gió bão, trong khi nuôi biển hở cần vốn đầu tư lớn và công nghệ nuôi hiện đại nên nuôi biển tại Bình Định chưa được các tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư đúng mức.

Do đó, nhân dịp này, tỉnh Bình Định mong muốn tìm ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển nghề nuôi biển tại Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng. Đồng thời, tỉnh sẽ cam kết thực hiện quy hoạch vùng nuôi, tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi nghề từ khai thác sang nuôi trồng theo hướng bền vững.

Hội thảo "Nghề nuôi biển: Chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp"

Tại hội thảo, các đại biểu từ cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia đã trình bày nhiều vấn đề liên quan đến chủ đề “Chuyển đổi nghề nuôi biển như thế nào để tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản cất cánh?”.

Theo đó, các đại biểu cùng thảo luận về việc cần phải thay đổi chính sách nuôi trồng, thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là nghề nuôi biển; vì sao phải chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp; tháo gỡ một số điểm nghẽn để phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp Việt Nam; ứng dụng khoa học và phát triển, chuyển giao công nghệ hướng tới nuôi biển bền vững… Từ đó, góp phần gia tăng sản lượng thủy sản, bảo đảm nguồn nguyên liệu cho chế biến, tránh được rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các đại biểu còn trao đổi về những bất cập trong quá trình nuôi trồng và xuất khẩu, từ quy hoạch của địa phương, đến các rào cản kiểm soát chất lượng bất hợp lý từ các cơ quan chức năng trong nước mà doanh nghiệp gặp phải, từ đó đề xuất, hiến kế các thay đổi để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu, xuất khẩu, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu…

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, nước ta có tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi biển. Cả nước có khoảng 50.000 cơ sở nuôi biển, phần lớn hoạt động nuôi biển ở quy mô gia đình manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, công nghệ lạc hậu và không bền vững. Hiện trong nước chưa có cơ sở nuôi biển xa bờ. Vì vậy, để phát triển nghề nuôi biển bền vững, việc cấp thiết là phải chuyển đổi từ nuôi truyền thống sang công nghiệp; định hướng di chuyển từ vùng biển kín, ven bờ ra các vùng biển mở, xa bờ. Đồng thời, phát triển các hệ nuôi kín ở trên bờ với công nghệ tuần hoàn trong thu gom và xử lý chất thải môi trường.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, phát triển nghề nuôi biển công nghiệp thì doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ thể để thúc đẩy sự phát triển, tạo chuỗi liên kết trong nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động nuôi biển đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu quy hoạch, thiếu thủ tục giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân. Việt Nam chưa ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẩn về nuôi biển, thiếu chính sách hỗ trợ phát triển nghề nuôi biển... Nhân dịp này, các cơ quan, đơn vị có thể cùng nhau xem xét, thảo luận để đưa ra những giải pháp, nhiệm vụ phù hợp, góp phần phát triển bền vững ngành nuôi biển.

Ngọc Huyền (T/H)