Đà Nẵng bảo vệ, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước

Thứ năm, 11/1/2024 | 15:09 GMT+7
Thành phố Đà Nẵng luôn quan tâm đến bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước, trong đó việc đảm bảo chất lượng nguồn nước sinh hoạt là một trong những tiêu chí để đánh giá sự bền vững của đô thị.

Theo quy hoạch cấp nước thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, dự báo năm 2030 nhu cầu dùng nước sạch ngày cao nhất của Đà Nẵng là hơn 801.000m3, tuy nhiên khả năng đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của hệ thống cấp nước thành phố cuối năm 2022 chỉ mới đạt 210.000m3/ngày. Nếu không bổ sung nguồn nước ngày cao điểm, Đà Nẵng sẽ thiếu hơn 590.000m3 nước. Đồng thời, tình trạng nhiễm mặn đang xảy ra thường xuyên vào mùa nắng nóng với tần suất và mức độ ngày càng tăng. Việc phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn nước sông Vu Gia khiến Đà Nẵng nhiều năm đối mặt với tình trạng mất an toàn cấp nước; cùng với ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động xả thải đe dọa nghiêm trọng đến phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Tổng giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) Hồ Minh Nam cho biết, chất lượng nước mặt vào mùa khô của Đà Nẵng thường bị nhiễm mặn. Tại Đà Nẵng, lượng mưa các tháng mùa khô sẽ thấp hơn nhiều so với cùng kỳ nên dòng chảy trên các sông hạ thấp. Dự báo lưu lượng dòng chảy trung bình trên sông Vu Gia thiếu hụt khoảng 40 - 60%. Việc cạn kiệt nguồn nước tại các hồ chứa sẽ gây mất an toàn đối với việc đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho vùng hạ du trong mùa khô.

Hệ thống điều khiển tự động tối ưu tại Nhà máy nước Hòa Liên, Đà Nẵng

Cuối tháng 5/2023, Nhà máy nước Hòa Liên (giai đoạn I) có công suất 120.000m3/ngày đêm đã đi vào hoạt động, cung cấp nước cho người dân các quận Liên Chiểu và một phần của huyện Hòa Vang, giúp giảm tải cho Nhà máy nước Cầu Đỏ. Theo tính toán, Đà Nẵng sẽ hình thành một hồ chứa dung tích 50 triệu m3 trên sông Bắc (thượng nguồn sông Cu Đê) và Nhà máy nước Hòa Liên trở thành nhà máy nước lớn thứ 2 phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân thành phố, sẽ góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước và cuộc sống của người dân, bảo đảm tính đồng bộ của việc phát triển các hệ thống cấp nước thành phố Đà Nẵng theo đúng lộ trình đã đề ra.

Theo ông Hồ Minh Nam, khi thành phố xây dựng hồ chứa nước trên sông Bắc để nâng công suất vận hành Nhà máy nước Hòa Liên, Dawaco sẽ nghiên cứu kết hợp đầu tư một đường ống dẫn nguồn nước ngọt này về Nhà máy nước Cầu Đỏ để không còn phải phụ thuộc quá lớn từ nguồn nước của các hồ thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước cho thành phố.

Bên cạnh đó, công ty thực hiện giám sát đầy đủ, đảm bảo chất lượng nước sạch đáp ứng yêu cầu theo Thông tư 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 và Thông tư 26/2021/TT-BYT ngày 15/12/2021 của Bộ Y tế. Việc kiểm nghiệm được thực hiện tại Trung tâm phân tích kiểm nghiệm (đã được công nhận phòng thử nghiệm phù hợp ISO/IEC 17025:2017) với các thông số nhóm A tần suất 1 tháng/1 lần, 8 chỉ tiêu nhóm B tần suất 1 tháng/1 lần và 6 tháng/lần với tất cả các mẫu nước giám sát định kỳ theo quy định.

Để đảm bảo cấp nước cho thành phố trong điều kiện nhiễm mặn, UBND thành phố đề nghị các hồ thủy điện xả nước và vận hành đập dâng An Trạch xả nước về hạ du đảm bảo nguồn nước thô cho các trạm bơm phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng nếu độ mặn lớn hơn 1.000mg/l dẫn đến thiếu hụt nguồn nước thô. Trong trường hợp ứng với từng mốc nhiễm mặn khác nhau sẽ xem xét áp dụng kịch bản phù hợp để kịp thời ứng phó.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, địa phương đang tích cực triển khai các giải pháp bảo vệ nguồn nước bao gồm: công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác nước mặt sông Cu Đê thuộc dự án Nhà máy nước Hòa Liên; thực hiện ngay các biện pháp giảm thiểu tác động từ hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và nguồn thải từ hoạt động phát triển du lịch sinh thái...

Theo baotainguyenmoitruong.vn