Đà Nẵng sẽ thực hiện mô hình Trường học xanh trên toàn địa bàn

Thứ sáu, 31/5/2024 | 11:06 GMT+7
Ngày 30/5, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thành phố Đà Nẵng phối hợp với Ban quản lý chương trình “Thành phố sạch, đại dương xanh” (CCBO), Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live&Learn) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện thí điểm Trường học xanh.

Theo báo cáo tại hội thảo, sau 8 tháng thực hiện thí điểm Trường học xanh tại 20 trường tiểu học, THCS trên địa bàn các quận Hải Châu, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Hòa Vang, COCB đã tổ chức được 65 sự kiện trong trường học và 2.042 tiết học, hơn 1.200 giáo viên đã được cung cấp kiến thức liên quan đến mô hình; 24.000 học sinh được nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Hơn 11,7 tấn rác trong các trường học được phân loại và xử lý hoặc chuyển giao cho các đơn vị thu gom, trong đó có 700kg rác thải nhựa…

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT thành phố Đà Nẵng đánh giá cao những kết quả đạt được sau 8 tháng thực hiện thí điểm mô hình Trường học xanh. Trên cơ sở kết quả đạt được, Đà Nẵng hướng đến triển khai nhân rộng mô hình trường học xanh đến các trường THCS, THPT trên toàn địa bàn thành phố, góp phần đưa giáo dục môi trường vào trường học hiệu quả thiết thực.

Thực hiện thí điểm Trường học xanh tại thành phố Đà Nẵng

Theo ông Đặng Quang Vinh, mô hình Trường học xanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy công tác quản lý chất thải rắn nói chung và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nói riêng, thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản liên quan đến triển khai phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố.

Dự án nâng cao nhận thức cho cán bộ giáo viên, học sinh về bảo vệ môi trường, lan tỏa những hoạt động hữu ích về bảo vệ môi trường đến gia đình, bạn bè và cộng đồng, góp phần hình thành nên thế hệ công dân có ý thức cao về bảo vệ môi trường trong tương lai.

Tại hội thảo, ông Đặng Ngọc Lam, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Hải Châu, Đà Nẵng) chia sẻ, từ khi được COCB lựa chọn tham gia thí điểm, trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể, lập ban chỉ đạo và có các quy định giảm thải nhựa để phổ biến đến học sinh, phụ huynh. Nhà trường cũng đồng thời củng cố hệ thống cơ sở vật chất như thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần, trang bị hệ thống lọc nước để lấy nước vào bình cá nhân; chú trọng hình thành thói quen cho các em học sinh trong việc quản lý rác thải, có cách ứng xử phù hợp với rác thải góp phần xây dựng môi trường học tập xanh – sạch – đẹp - an toàn.

Ngoài ra, trường còn tổ chức các cuộc thi để học sinh tìm hiểu kiến thức về Luật Bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường biển, đa dạng sinh học; sử dụng rác tái chế để dùng làm công cụ dạy học…

Thông qua các chương trình, các em đã biết cách bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của bản thân. Từ đó, hình thành một thế hệ tương lai sống thân thiện, có trách nhiệm với môi trường.

Minh Khang (T/H)