Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thảo luận về biến đổi khí hậu

Thứ năm, 23/9/2021 | 16:47 GMT+7
Trong phiên thảo luận chung cấp cao khóa 76 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) vừa diễn ra, các nhà lãnh đạo thế giới đã thảo luận về những lỗ hổng còn lại trong hành động của chính phủ các nước, đặc biệt là các cường quốc công nghiệp G20 liên quan đến vấn đề tài chính, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong phiên thảo luận chung cấp cao khóa 76 Đại hội đồng LHQ với chủ đề "Cùng vững tin và tự cường - Hướng tới phục hồi sau Covid-19, tái thiết bền vững, bảo vệ hành tinh, thúc đẩy quyền con người và cải tổ LHQ", Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã gióng lên hồi chuông báo động, kêu gọi cộng đồng quốc tế cần khẩn trương hành động và tăng cường hợp tác để tìm giải pháp cho hàng loạt cuộc khủng hoảng lớn nhất thời đại như các cuộc khủng hoảng, xung đột, đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu.

Tại đây, Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh cần ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, tái thiết và phục hồi sau đại dịch theo hướng xanh và sạch hơn, giảm bất bình đẳng, thúc đẩy tiếp cận công bằng vaccine phòng Covid-19.

Các nhà lãnh đạo thế giới đã thảo luận về những lỗ hổng còn lại trong hành động của Chính phủ các nước, đặc biệt là các cường quốc công nghiệp G20 liên quan đến vấn đề tài chính, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại phiên thảo luận chung cấp cao khóa 76 Đại hội đồng LHQ

Mới đây, Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu đã công bố một báo cáo về những đóng góp được xác định của tất cả các bên đối với Thỏa thuận khí hậu Paris. Theo đó, thế giới đang trên con đường thảm khốc với sự nóng lên toàn cầu ở mức 2,7 độ C.

Vì vậy, Tổng Thư ký LHQ kêu gọi các quốc gia thành viên hành động trên 3 mặt trận: giữ mục tiêu 1,5 độ C; thực hiện cam kết 100 tỷ USD mỗi năm cho hành động khí hậu ở các nước đang phát triển; tăng cường tài trợ về thích ứng lên ít nhất 50% tổng chi tiêu của chính phủ cho tài chính khí hậu.

Ông Antonio Guterres cho rằng, hành động lãnh đạo phải xuất phát từ các nước G20 vì các quốc gia này đại diện cho 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đưa ra cảnh báo tại phiên làm việc, lịch sử sẽ phán xét các quốc gia giàu nhất thế giới nếu họ không thực hiện cam kết viện trợ khí hậu 100 tỷ USD hàng năm trước Hội nghị thượng đrnh về biến đổi khí hậu của LHQ (COP26). Ông Johnson dự đoán, tỷ lệ hoàn thành số tiền này trước tháng 11/2021 chỉ ở khoảng 6/10.

Thủ tướng Anh cam kết, Vương quốc Anh sẽ tiên phong giữ gìn môi trường trong Chương trình Nghị sự toàn cầu và làm bệ phóng cho một cuộc cách mạng công nghiệp xanh toàn cầu. Đồng thời, cảnh báo không quốc gia nào có thể lật ngược tình thế nếu không hướng đến vấn đề môi trường.

Mỹ Dung (T/H)