Hưởng ứng chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn 2021 trên toàn quốc

Thứ ba, 21/9/2021 | 16:55 GMT+7
Ngày 21/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Lễ phát động quốc gia hưởng ứng chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn 2021.

Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc phát động trên phạm vi toàn cầu từ năm 1993 và được tổ chức vào tuần thứ 3 tháng 9 hàng năm. Đến nay, chiến dịch đã trở thành một sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng, thu hút sự tham gia hưởng ứng của hơn 180 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Năm nay, lễ phát động được tổ chức theo hình thức trực tuyến, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đề nghị các đại biểu tưởng nhớ tới những người dân Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã mất trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 trong thời gian qua; đồng thời dành sự tri ân, biết ơn sâu sắc tới các lực lượng tuyến đầu chống dịch, trong đó có sự đóng góp thẩm lặng của các cán bộ, công nhân, người lao động vệ sinh môi trường đã không quản ngại nguy hiểm, luôn có mặt ở những điểm nóng nhất ở các bệnh viện, khu điều trị, khu cách ly tập trung, khu phong tỏa để thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải y tế nguy hại, có nguy cơ lây nhiễm cao.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị các cấp, ngành, cơ quan đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng cùng chung tay hành động, triển khai thực hiện một số hoạt động như: tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc thu gom, vận chuyển, xử lý các loại chất thải phát sinh trên địa bàn, nhất là chất thải sinh hoạt, chất thải y tế phát sinh do dịch Covid-19 theo đúng quy định; tập trung giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe người dân; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý chất thải và bảo vệ môi trường.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong việc bảo vệ, giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn. Tập trung tuyên truyền các hoạt động phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm lượng rác thải; từ chối sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các Bộ, cơ quan đoàn thể hưởng ứng chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn

Hơn nữa, các Bộ, ngành, địa phương cần triển khai, thực hiện tốt công văn số 5727 ngày 17/9/2021 của Bộ TN&MT về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2021. Triển khai các giải pháp cụ thể để thực thi hiệu quả các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nhất là các hoạt động quản lý chất thải rắn, xử lý nước thải, kiểm soát ô nhiễm không khí, bảo vệ di sản thiên nhiên, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, thân thiện với môi trường trong quá trình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Kịp thời phát hiện, tuyên dương các mô hình điển hình, cách làm hay, hiệu quả về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học hiệu quả để phổ biến, nhân rộng.

Thứ trưởng cũng thể hiện mong muốn và ra lời kêu gọi tất cả nhân dân tham gia hưởng ứng chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn bằng những hành động thiết thực, từ những việc đơn giản, hành động nhỏ nhất như phân loại rác thải từ hộ gia đình, tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường xung quanh, trồng thêm nhiều cây xanh, nói không với rác thải nhựa, túi nilon khó phân hủy, sử dụng một lần… đến những giải pháp, biện pháp mang tính lâu dài như đầu tư xử lý ô nhiễm, giám sát, cảnh báo ô nhiễm môi trường, thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, bảo tồn đa dạng sinh học…

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, ông Ngô Văn Cương, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đề nghị các cấp bộ đoàn tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến đông đảo đoàn viên, thanh thiếu nhi về mục đích, ý nghĩa của chiến dịch, thông qua các phương thức khác nhau mang tính sáng tạo, đổi mới.

Trong đó, tổ chức các hoạt động dọn dẹp, vệ sinh môi trường tại nơi sinh sống, cơ quan, đơn vị nơi công tác, trường học, giảng đường nơi học tập, làm việc… trồng và chăm sóc cây xanh, nâng cao ý thức tự giác trong giữ gìn và bảo vệ môi trường. Tổ chức triển khai, khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình, mô hình thanh niên về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Căn cứ vào tình hình thực tế, các đơn vị tổ chức các hội thảo, hội nghị, tọa đàm nhằm cung cấp, trang bị kiến thức cho cán bộ đoàn, đoàn viên thanh niên về công tác bảo vệ môi trường, tập trung vào nội dung ứng dụng chế phẩm sinh học từ các vi sinh bản địa để xử lý ô nhiễm môi trường.

Phát huy vai trò của các Đội thanh niên tình nguyện ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường cấp huyện, xã thông qua việc chủ động đăng ký đảm nhận xử lý các điểm ô nhiễm môi trường tại địa phương…

Ngọc Huyền