Phát triển thị trường tái chế rác thải tại Việt Nam

Chủ nhật, 11/8/2024 | 00:01 GMT+7
Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam vừa tổ chức tọa đàm với chủ đề “Cơ hội đầu tư tái chế tại Việt Nam” nhằm đồng bộ giải pháp thúc đẩy thị trường tái chế chất thải.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là cách tiếp cận của chính sách môi trường, theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó. Chính sách EPR yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải. Quy định này buộc các doanh nghiệp phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc thu gom, thu hồi tái chế, tái sử dụng chất thải.

Nâng cao trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong công tác tái chế tại Việt Nam

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, từ khi thành lập đến nay, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam đã thúc đẩy nhiều hoạt động vì cộng đồng và khuyến khích doanh nghiệp sản xuất xanh, sạch, bảo vệ môi trường, là giám khảo một số giải thưởng doanh nghiệp xanh, cuộc thi về giải pháp môi trường. Trong năm 2023 - 2024, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam đã tham gia công tác tham vấn, phản biện chính sách, tham luận, chủ trì hơn 50 hội thảo trong nước và quốc tế với các chủ đề liên quan đến tái chế, môi trường.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam cho biết, thị trường tái chế ở Việt Nam nhìn chung còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ tái chế chất thải mới chỉ đạt khoảng 10%. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có công nghệ tái chế phù hợp, chưa có các cụm công nghiệp, khu công nghiệp tái chế đúng nghĩa; công tác phân loại nguồn cũng chưa đồng bộ… Nếu khắc phục được các nguyên nhân này thì tiềm năng tái chế chất thải ở Việt Nam là rất lớn, mang lại nguồn tài nguyên quý giá.

Cơ chế EPR sẽ hỗ trợ đặc biệt cho các nhà tái chế chịu đầu tư vào công nghệ, phát triển các giải pháp tái chế cho loại rác thải giá trị thấp; hỗ trợ doanh nghiệp tái chế bằng những ưu đãi tài chính. Điều này không chỉ giúp bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn giảm áp lực lên ngân sách nhà nước trong việc xử lý, chôn lấp rác thải.

Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam đã được giao là một trong những thành viên của Hội đồng EPR Quốc gia theo công văn số 252/QĐ-BTNMT của Bộ Tài Nguyên và Môi trường về quyết định thành lập Hội đồng EPR quốc gia. Hiệp hội cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, ban, ngành liên quan xây dựng quy chế hoạt động và quản lý tài chính của Quỹ EPR cho lĩnh vực tái chế tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ chương trình, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam còn tổ chức các chuyên đề tham luận với sự tham gia của những khách mời, diễn giả là đại diện cơ quan, tổ chức cùng chia sẻ, trao đổi những chính sách, kinh nghiệm liên quan thúc đẩy chính sách môi trường, cơ hội đầu tư, xúc tiến thương mại trong ngành tái chế, xử lý chất thải tại Việt Nam, đóng góp cho chuyển đổi xanh, phát triển nền công nghiệp tái chế và kinh tế tuần hoàn.

Mộc Trà (T/H)