Đắk Nông chủ động biện pháp ứng phó thiên tai mùa mưa bão

Thứ năm, 27/6/2024 | 11:14 GMT+7
UBND tỉnh Đắk Nông vừa chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương đề cao cảnh giác và luôn chủ động triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai trong mùa mưa bão.

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ghi nhận nhiều loại hình thiên tai khắc nghiệt, diễn biến phức tạp, khó dự báo, cảnh báo. Những loại hình thiên tai thường xảy ra trong thời kỳ chuyển mùa và đầu mùa mưa.

Những năm gần đây, cùng với các loại hình thiên tai, tình hình mưa lũ trên địa bàn Đắk Nông diễn biến phức tạp. Năm 2023, mưa lũ kéo dài gây ra hiện tượng trượt sạt lở đất, ngập lụt làm cho 2 người thiệt mạng; gây thiệt hại nghiêm trọng về hạ tầng, tài sản của người dân, ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 1.000 tỷ đồng; lốc xoáy đã làm hư hỏng một số nhà cửa, tài sản của nhiều hộ dân.

Mặc dù công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn và hạn hán tại địa phương luôn nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị nhưng đến nay vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: cơ sở hạ tầng về phòng, chống thiên tai còn thiếu; lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã chưa được trang bị đầy đủ về kiến thức, kỹ năng và phương tiện cần thiết…

Chủ động triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai trong mùa mưa bão

Do đó, UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố khẩn trương rà soát kế hoạch, phương án và bố trí nguồn lực để chủ động ứng phó, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, lấy sự an toàn của người dân là ưu tiên hàng đầu.

Xây dựng các đề án, chương trình cho từng loại hình thiên tai; tổ chức đào tạo và diễn tập để nâng cao năng lực phòng chống thiên tai; ứng dụng công nghệ vào công tác cảnh báo sớm phòng chống thiên tai; quản lý dữ liệu bằng GIS, điện thoại thông minh, thiết bị không người lái, thiết bị cảnh báo sớm… giám sát hình ảnh tại các vị trí xung yếu, trung tâm chỉ đạo, điều hành trong công tác phòng, chống thiên tai.

Tập trung khai thác có hiệu quả các trạm khí tượng thủy văn hiện có; nâng cao chất lượng dự báo, bảo đảm yêu cầu dự báo sớm, kịp thời, chính xác diễn biến thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai thường xuyên diễn ra gây thiệt hại lớn như bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh; duy trì chế độ sẵn sàng ứng phó thiên tai, thực hiện nghiêm chế độ trực ban 24/24h, nắm chắc tình hình để xử lý các tình huống sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kịp thời, hiệu quả, không để bị động.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn các Sở, ban ngành, địa phương kiện toàn tổ chức Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự các cấp, hoạt động từ ngày 1/7/2024, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; chủ động theo dõi tình hình thời tiết, thông tin dự báo, cảnh báo để tham mưu kịp thời công tác ứng phó các tình huống thiên tai.

Khả Như