Nông nghiệp sạch

Đắk Nông phát triển khoa học công nghệ thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn

Thứ ba, 13/8/2024 | 10:18 GMT+7
Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 532/KH-UBND thực hiện Đề án phát triển khoa học và ứng dụng chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030 trên địa bàn.

Kế hoạch nhằm tuyên truyền, quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quyết định số 540/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển khoa học và ứng dụng chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030 gắn với các chương trình, đề án, kế hoạch của tỉnh về phát triển nông nghiệp bền vững; phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triến kinh tế tuần hoàn và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông. 

Chuyển đổi mạnh mẽ tư duy, nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất giữa các cấp, các ngành và toàn xã hội trong thực hiện chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, gia tăng giá trị sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn tại Đắk Nông

UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu các Sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm về sản xuất nông nghiệp tuần hoàn cho các cấp, ngành, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân để chuyển đổi tư duy từ sản xuất truyền thống phụ thuộc các yếu tố đầu vào, chưa quan tâm đến nguồn phụ phẩm và môi trường sang sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng tài nguyên hiệu quả, bền vững.

Tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, đối thoại để người dân, doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp tuần hoàn với các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết và khả năng ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn trong sản xuất.

Thực hiện thí điểm xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất tuần hoàn, thu gom, xử lý, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế chế biến nông sản làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu, thực phẩm... gắn với liên kết chuỗi giá trị - khép kín từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiềm năng lợi thế của tỉnh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất hữu cơ gắn với truy xuất nguồn gốc và liên kết chuỗi giá trị thông qua thực hiện Đề án nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2035. Hàng năm tổ chức hội nghị đánh giá kết quả các mô hình để làm cơ sở nhân rộng cho giai đoạn tiếp theo.

Tổ chức tập huấn, đào tạo kiến thức về kinh tế tuần hoàn cho cán bộ ngành nông nghiệp, người sản xuất phục vụ phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, nhất là trên các sản phầm nông nghiệp chủ lực, tiềm năng của địa phương. Lồng ghép hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn kết hợp với kiến thức về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức hoạt động tham quan, học tập kinh nghiệm, nâng cao năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân về xây dựng, phát triển sản xuất nông nghiệp tuần hoàn hiệu quả ngoài tỉnh để áp dụng vào thực tế sản xuất của địa phương.

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn, trong đó chú trọng nghiên cứu những giải pháp, quy trình công nghệ tái chế, thu hồi, xử lý hiệu quả phụ phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi, phụ phẩm từ hoạt động sơ chế, chế biến nông lâm sản, rác thải nhựa để tái sử dụng theo chu trình tuần hoàn nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, ô nhiễm môi trường thông qua việc lồng ghép các nhiệm vụ, chương trình khoa học, công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh và những chương trình, đề án khác có liên quan đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.

Hỗ trợ, thu hút, khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực đầu tư khai thác, chế biến phụ phế phẩm nông nghiệp; xây dựng nhà máy, cơ sở chế biến phụ phẩm nông nghiệp, sản xuất phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp; xây dựng cơ sở thu gom xử lý thuốc bảo vệ thực vật... phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Hỗ trợ xây dựng, đăng ký nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý, chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ, mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận chất lượng cho sản phẩm nông sản chủ lực, tiềm năng thế mạnh của tỉnh và các sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn để phát triển thị trường tiêu thụ trong nước, xuất khẩu. Thực hiện hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn; tổ chức triển lãm, hội chợ, hỗ trợ đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, trang thông tin điện tử để giới thiệu quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đầu ra cho sản phẩm ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh.

Huyền Dung