Nông nghiệp sạch

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp

Thứ ba, 18/10/2022 | 16:33 GMT+7
Ngày 18/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị " Đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng".

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian qua thực phẩm bẩn, rau dỏm gắn mác VietGAP vào siêu thị đã gây ảnh hưởng lớn tới tâm lý người tiêu dùng. Việc kiểm soát chặt chất lượng nông sản khi nền nông nghiệp Việt Nam còn manh mún như hiện nay là rất khó khăn, vì vậy, để định hướng lâu dài, cần có cách tiếp cận khác.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các doanh nghiệp và nông dân hiện nay nên hợp tác bằng tư duy tạo ra chuỗi giá trị chung thay vì chỉ mua đứt bán đoạn. Thời gian đầu, doanh nghiệp cần tiếp cận trực tiếp nông dân, hiểu tâm tư và hướng họ sản xuất theo chuỗi giá trị, sau cùng mới đàm phán giá. Khi mọi thứ đã theo quy trình và cả hai đều hướng tới người tiêu dùng, sản phẩm làm ra dù giá cao vẫn được đón nhận.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị " Đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng"

Về phía Nhà nước, lãnh đạo ngành nông nghiệp cho biết sẽ hoàn thiện dần các quy định về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn nông sản sạch. Đồng thời, dần chuyển hoạt động khuyến khích sản xuất trong nông nghiệp sang bắt buộc từ quy mô nhỏ, rồi dần chuyển sang diện rộng; siết chặt các chứng nhận nông sản, chuẩn hóa lại quy trình kiểm nghiệm để nông dân và doanh nghiệp dễ dàng thực thi hơn.

Hiện Bộ NN&PTNT đã và đang rà soát lại tất cả tiêu chuẩn, quy định, chế tài của ngành, sau đó sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi cho phù hợp để nông nghiệp Việt có những bước chuyển mình mới.

Tại hội nghị, một số ý kiến của đại biểu cũng cho rằng nhiều nhà sản xuất, đơn vị cung ứng vẫn chưa có tính tự giác trong sản xuất và chế biến các sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng mà còn chạy theo lợi nhuận; nông dân sản xuất manh mún; sản xuất theo phong trào; sản xuất thủ công chưa ứng dụng công nghệ… Trước tình trạng đó, các đại biểu đưa ra giải pháp như: áp dụng kinh nghiệm của các nước tiên tiến; kiểm soát chặt chẽ chất lượng từ khi đưa con giống vào sản xuất; đa dạng hóa sản phẩm với chất lượng tốt; đồng bộ trong khâu quản lý để sản phẩm đến tay người tiêu dùng đảm bảo chất lượng.

Trong khuôn khổ hội nghị, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT đã ký kết kế hoạch phối hợp thỏa thuận tăng cường kiểm soát nguồn gốc xuất xứ thực phẩm với Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và ký kết phối hợp hỗ trợ TPHCM xây dựng và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng nông lâm thủy sản do dự án Canada tài trợ.

Trước đó, ngày 17/10, Bộ trưởng Lê Minh Hoan có buổi thị sát tại loạt địa điểm nằm trong chuỗi giá trị thực phẩm trên địa bàn TPHCM như: chợ đầu mối Bình Điền, MM Mega Market, Co.op Extra, nông trại Nông Phát (Hóc Môn), WinEco (Củ Chi). Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp cần kết nối nhiều hơn với nông dân. Mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng các doanh nghiệp phải nâng tính chuyên nghiệp bằng cách chia sẻ tri thức cho người nông dân, dần dần đưa vào ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử, các kiến thức cho người nông dân để họ làm ra sản phẩm theo đúng nhu cầu người tiêu dùng.

Việt Nga (T/H)