Nông nghiệp sạch

Việt Nam tham gia chuyển đổi bền vững hệ thống lương thực thực phẩm

Thứ năm, 6/10/2022 | 17:27 GMT+7
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh tham dự và phát biểu tại Hội nghị chuyên đề châu Á - Thái Bình Dương về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm.

Hội nghị có sự tham gia của các lãnh đạo ngành nông nghiệp đến tham dự trên nền tảng kiến thức khu vực "Một quốc gia - Một sản phẩm ưu tiên" (OCOP). OCOP được phát triển với mục tiêu hỗ trợ các quốc gia thành viên chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm thông qua sự phát triển bền vững của các loại nông sản mũi nhọn, đóng góp vào sự phát triển của chuỗi giá trị bền vững, bao trùm, tạo điều kiện để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm, gia tăng thu nhập và đặc biệt là các Mục tiêu phát triển bền vững.

Biến đổi khí hậu đang khiến tình hình tồi tệ hơn với các nông hộ. Lượng mưa cần thiết cho nền nông nghiệp tại các khu vực nhiệt đới gió mùa đang dần thay đổi và sự xuất hiện ngày càng nhiều dịch bệnh đang khiến năng suất nông nghiệp giảm đi đáng kể. Các thảm họa gây ra 60% thương vong và 40% thiệt hại kinh tế toàn cầu.

Tham dự Hội nghị chuyên đề châu Á - Thái Bình Dương về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo cam kết tại khu vực và trên trường quốc tế thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đến năm 2030.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu trực tuyến tại Hội nghị chuyên đề châu Á - Thái Bình Dương về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm

Thứ trưởng cho biết, đại dịch Covid-19, khủng hoảng lương thực, thức ăn, nhiên liệu, phân bón và tài chính (5F) cùng biến đổi khí hậu đang phơi bày những điểm yếu và tồn tại trong hệ thống lương thực toàn cầu, các quốc gia cần tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy sự bền vững và thích ứng của hệ thống thực phẩm nông nghiệp quốc gia trong trạng thái bình thường mới khi người nông dân, người sản xuất, người chế biến, các nhà phân phối và người tiêu dùng là trung tâm.

Nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực là những trụ cột của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, trong đó tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp phát thải thấp và thích ứng với khí hậu, cùng với đó cải thiện sinh kế cho người dân ở nông thôn. Việt Nam cam kết chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ ràng sự cần thiết của việc hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia và nhân tố trong hệ thống lương thực, thực phẩm để tạo ra những thay đổi sâu rộng trong toàn bộ hệ thống. Điều này giúp sẽ giúp khu vực châu Á - Thái Bình Dương cải thiện vấn đề xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực và dinh dưỡng, sinh kế của người dân tại khu vực nông thôn, đặc biệt đối với cộng đồng thiểu số và nhóm yếu thế gồm phụ nữ và trẻ em.

Theo đó, để thúc đẩy chuyển đôi hệ thống lương thực, thực phẩm, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề xuất tại hội nghị một số giải pháp như:

Duy trì hợp tác ổn định và xuyên suốt của chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Các quốc gia cần giảm thiểu những rào cản không cần thiết trong sản xuất lương thực và xuất khẩu để tăng cường kết nối chuỗi giá trị, hạn chế lãng phí lương thực, thúc đẩy thương mại điện tử và đổi mới hệ thống truy xuất nguồn gốc, logistics, vận chuyển và kiểm soát chất lượng.

Chuyển đổi nông nghiệp xanh và nông nghiệp số cùng với cách tiếp cận “more from less” (tăng giá trị, giảm đầu vào) là yêu cầu cấp thiết. Các hỗ trợ về tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực cho các quốc gia đang phát triển là điều tất yếu để chuyển đổi sang các hệ thống lương thực thực phẩm với nhiều giá trị hơn, bền vững hơn và chống chịu tốt với thời tiết. Việt Nam sẵn sàng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo nông nghiệp tại khu vực Đông Nam Á và sẽ tiếp tục đóng góp các sáng kiến vào chuyển đổi mang tính đổi mới, bao trùm, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cần khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư có trách nhiệm và tận dụng có hiệu quả công nghệ tiên tiến; nên phát triển và nhân rộng các mô hình hợp tác công tư (PPP).

Mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và phát triển nông nghiệp, tăng cường hệ thống cảnh báo sớm thiên tai, dịch bệnh. Việc thúc đẩy các nền tảng hợp tác chia sẻ thông tin trong quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, bao gồm tài nguyên nước xuyên biên giới, tài nguyên biển, tăng cường hợp tác Nam - Nam là vô cùng cần thiết.

Thanh Tâm (T/H)