Đảm bảo giải tỏa tối đa công suất các nguồn năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận

Thứ tư, 12/1/2022 | 14:30 GMT+7
Truyền tải điện Ninh Thuận nỗ lực quản lý lưới điện truyền tải quốc gia và lưới điện của các nhà máy điện năng lượng tái tạo vận hành an toàn, cung cấp điện ổn định, liên tục, cũng như đáp ứng giải tỏa tối đa công suất các nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Tại Ninh Thuận, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) và đoàn công tác của EVNNPT đã vừa có buổi làm việc với Truyền tải điện Ninh Thuận (thuộc Công ty Truyền tải điện 3).

Truyền tải điện Ninh Thuận được giao nhiệm vụ quản lý vận hành hơn 143 km đường dây 220kV và 2 trạm biến áp 220kV với tổng công suất 1.000 MVA.

Từ cuối năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, rất nhiều nhà máy điện năng lượng tái tạo đấu nối và phát điện hòa lưới; trong đó tổng công suất phát trực tiếp vào lưới truyền tải điện 1.905 MW (điện mặt trời: 1.569 MW, điện gió: 336 MW).

Do có nhiều dự án năng lượng tái tạo đã làm cho các đường dây truyền tải 220kV cùng các máy biến áp tại TBA 220kV Ninh Phước thường xuyên vận hành ở chế độ đầy và quá tải dẫn đến tần suất kiểm ra phát nhiệt tại các điểm tiếp xúc trên đường dây, thiết bị tại các trạm biến áp phải thực hiện liên tục nhằm sớm phát hiện, xử lý kịp thời những bất thường.

Công tác sửa chữa bảo dưỡng thiết bị trạm biến áp và đường dây được thực hiện với tần suất nhiều hơn. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay việc cắt điện để công tác chỉ thực hiện được vào ban đêm, điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong công tác. Trong khi đó, lực lượng cán bộ kỹ thuật tại đơn vị mỏng nên gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành và giải quyết công việc khác.

Đoàn công tác của EVNNPT kiểm tra tại TBA 220kV Ninh Phước

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, trong năm 2021, Truyền tải điện Ninh Thuận cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kỹ thuật PTC3 đặt ra như: tổn thất điện năng thực hiện đạt 1,3%, thấp hơn 0,28% kế hoạch công ty giao; trạm biến áp vận hành an toàn, không có sự cố, đường dây chỉ có một lần sự cố thoáng qua do sét gây ra; năng suất lao động theo sản lượng điện đạt 9,33 triệu kWh/người, cao hơn so với yêu cầu của công ty giao.

Trong công tác sửa chữa lớn, đến nay đơn vị đã thi công và quyết toán hoàn thành 100% khối lượng năm 2021, tổng cộng 5/5 hạng mục với giá trị 628,6 triệu đồng. Các hạng mục công trình thực hiện thi công đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ và đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng, đáp ứng kịp thời cho công tác quản lý vận hành.

Ngoài công tác quản lý vận hành, đơn vị còn tham gia giám sát, nghiệm thu đóng điện công trình TBA 220kV Ninh Phước và đường dây đấu nối giai đoạn 3; tổ chức kiểm tra, tiếp nhận quản vận hành đường dây mạch kép nhánh rẽ 220kV vào trạm biến áp 220kV Phước Thái; giám sát an toàn và nghiệm thu đóng điện hạng mục di chuyển tuyến đường dây 220kV Vĩnh Tân - Tháp Chàm phục vụ giải phóng mặt bằng thi công dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo địa phận huyện Ninh Phước; tổ chức kiểm tra điều kiện và đóng điện vận hành an toàn 3 điểm đấu nối Nhà máy điện gió 7A, Điện gió số 5 Ninh Thuận và Điện gió BIM hòa vào lưới điện truyền tải quốc gia; phối hợp giám sát thi công phần ngầm và tiếp địa đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân.

Truyền tải điện Ninh Thuận đã số hóa 100% hồ sơ kỹ thuật đường dây, trạm biến áp và cập nhật trên PMIS, phần mềm dùng chung của EVNNPT; cập nhật dữ liệu và khai thác hiệu quả các phần mềm PMIS, MDMS… Tại các trạm biến áp và trên đường dây đều sử dụng phiếu kiểm tra điện tử, loại bỏ kiểm tra bằng phiếu giấy truyền thống; ứng dụng mã QR code: quản lý vật tư thiết bị, quản lý kỹ thuật thiết bị TBA và có sổ QR code đối với đường dây; ứng dụng phần mềm “Google Earth Pro” để quản lý lưới điện; trang bị 1 UAV, 1 UAV nhiệt và 5 camera giám sát trên đường dây phục vụ cho công tác quản lý vận hành.

Chủ tịch HĐTV EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng chủ trì buổi làm việc với Truyền tải điện Ninh Thuận

Tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐTV EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Truyền tải điện Ninh Thuận trong thời gian qua đã đảm bảo vận hành an toàn, ổn định lưới điện truyền tải quốc gia trên địa bàn, mặc dù nguồn năng lượng tái tạo vận hành nhiều nhưng gần như không có sự cố. Truyền tải điện Ninh Thuận đã ứng dụng nhiều thành tựu khoa học công nghệ trong quản lý vận hành qua đó giúp nâng cao năng suất hiệu quả công việc.

Nhận định năm 2022 sẽ còn nhiều khó khăn thách thức, ông Nguyễn Tuấn Tùng yêu cầu Truyền tải điện Ninh Thuận và Công ty Truyền tải điện 3 tập trung thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm theo nghị quyết số 20/NQ-HĐTV ngày 31/12/2021 của HĐTV EVNNPT với chủ đề “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”.

Quản lý lưới điện truyền tải quốc gia và lưới điện của các nhà máy điện năng lượng tái tạo vận hành an toàn, cung cấp điện ổn định, liên tục, cũng như đáp ứng giải tỏa tối đa công suất các nguồn năng lượng tái tạo.

Tập trung lực lượng, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức theo dõi, giám sát, nghiệm thu và tiếp nhận vận hành các công trình mới đảm bảo tiến độ, chất lượng, đặc biệt là đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc; chú trọng đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và thiết bị, thích ứng với tình hình mới trong phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Xuân Tiến