Năng lượng tái tạo

Đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực cho lĩnh vực điện hạt nhân

Thứ sáu, 25/4/2025 | 10:00 GMT+7
Điện hạt nhân là một trong những giải pháp chiến lược để đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường trong dài hạn. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, tiến tới nội địa hóa và làm chủ hoàn toàn công nghệ là yếu tố then chốt, quyết định sự thành bại của chiến lược này.

Nhằm chuẩn bị tốt cho công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như phát triển khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam, là cơ sở giáo dục trọng điểm trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng, ngày 24/4, tại Hà Nội trường Đại học Xây dựng Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học về “Xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Hoàng Tùng, Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ đã khởi động Chương trình điện hạt nhân - một chiến lược quan trọng nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Với vai trò là cơ sở đào tạo trọng điểm trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng, trường Đại học Xây dựng Hà Nội nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy nghiên cứu khoa học nhằm đồng hành phát triển năng lượng điện hạt nhân cùng đất nước.

Quang cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà đánh giá cao vai trò chủ động của trường Đại học Xây dựng Hà Nội - một đơn vị đào tạo, khoa học công nghệ đầu ngành trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng, đã tích cực tham gia vào quá trình chuẩn bị nguồn lực cho các dự án hạ tầng trọng điểm của đất nước, trong đó có điện hạt nhân. Nhà trường cần tiếp tục phát huy thế mạnh trong đào tạo kỹ sư, chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng công trình công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật phức tạp, đặc biệt là các công trình đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn và độ chính xác cao như nhà máy điện hạt nhân.

Điện hạt nhân là một trong những giải pháp chiến lược để đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường trong dài hạn. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, tiến tới nội địa hóa và làm chủ hoàn toàn công nghệ là yếu tố then chốt, quyết định sự thành bại của chiến lược này.

Theo PGS.TS Phạm Thái Hoàn, Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu tiêu thụ năng lượng sạch và ổn định đang gia tăng. Xu hướng điện hạt nhân là một trong những giải pháp tiềm năng giúp đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Ngày càng nhiều quốc gia tham gia vào “sân chơi” điện hạt nhân bởi vai trò của nó trong các trung tâm dữ liệu và AI…

Có thể thấy, nhu cầu nhân lực phục vụ xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay chưa có chương trình đào tạo chuyên sâu về xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam. Trong khi đó, vai trò của kỹ sư xây dựng trong dự án nhà máy điện hạt nhân vô cùng quan trọng. Nguồn nhân lực này góp phần thiết kế và xây dựng các công trình chuyên biệt; ứng dụng vật liệu và công nghệ thi công đặc thù; triển khai các công nghệ thi công tiên tiến đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ vận hành, xử lý sự cố và bảo trì công trình liên quan đến kết cấu hoặc nền móng trong suốt vòng đời dự án...

Chính vì vậy, việc xây dựng chương trình đào tạo kỹ thuật xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội là rất cần thiết và phù hợp. Bởi trường là cơ sở giáo dục có truyền thống đào tạo ngành xây dựng uy tín, chất lượng; có đội ngũ chuyên gia, giảng viên mạnh trong các lĩnh vực kết cấu, thi công, địa kỹ thuật; liên kết, hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu...

Việc xây dựng các chương trình đào tạo kỹ thuật xây dựng nhà máy điện hạt nhân và công trình đặc biệt nhằm mục tiêu bổ sung nhanh kiến thức chuyên sâu cho kỹ sư và cán bộ kỹ thuật hiện hành; kết nối giữa nhà trường - doanh nghiệp - nhu cầu xã hội; đáp ứng yêu cầu nhân lực cho những dự án trọng điểm, có yêu cầu kỹ thuật cao và tạo nguồn chuyên gia dự phòng, bổ sung lực lượng kỹ sư nòng cốt cho đất nước.

Định hướng xây dựng khung chương trình đào tạo kỹ thuật xây dựng công trình đặc biệt bao gồm 60 tín chỉ kiến thức chuyên sâu, đặc thù với thời gian đào tạo là 1,5 năm đối với cử nhân/kỹ sư ngành kỹ thuật xây dựng và 2 năm đối với cử nhân/kỹ sư ngành khác cần bổ sung một số học phần chuyển đổi.

Tại hội thảo, đại diện các đơn vị chức năng, chuyên gia nghiên cứu, nhà khoa học cũng trình bày nhiều tham luận tập trung vào những vấn đề then chốt về xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam như: hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng và một số nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam (TS. Lê Minh Long, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng); xây dựng công trình nhà máy điện hạt nhân theo công nghệ Liên bang Nga (PGS.TS. Bạch Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng vật liệu xây dựng nhiệt đới, trường Đại học Xây dựng Hà Nội); nhà máy điện hạt nhân và các vấn đề môi trường (GS.TS Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện khoa học và Kỹ thuật môi trường, trường Đại học Xây dựng Hà Nội)...

Phát biểu tổng kết hội thảo, TS. Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội hoan nghênh trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã sớm chủ động tham gia đồng hành xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam. Chặng đường trước mắt còn nhiều khó khăn do đó ông đề nghị các bên liên quan cùng nhau tháo gỡ, tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao, từng bước tiến tới làm chủ công nghệ để về đích công trình theo kế hoạch của Quốc hội, Chính phủ.

Đình Tú (t/h)