Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh và UBND các huyện, thành phố theo chức năng nhiệm vụ, chủ trì phối hợp các đơn vị có liên quan thực hiện đảm bảo đúng theo quy định; tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, kịp thời xử lý các vi phạm đối với dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây sự cố, ô nhiễm môi trường cao, bảo đảm không để xảy ra các sự cố liên quan đến môi trường.
Thủ trưởng các Sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh và chủ tịch UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư để tích cực hưởng ứng tham gia công tác bảo vệ môi trường tại địa phương, trong đó cần quan tâm hơn nữa việc thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đảm bảo quy định; tăng cường công tác phối hợp giữa các Sở, ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện nội dung liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/11/28/o-nhiem-mt-20241128233318404.jpg)
Ảnh minh họa
Đồng thời thực hiện nghiêm túc và khẩn trương khắc phục những tồn tại hạn chế, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp mà cơ quan có thẩm quyền đã chỉ đạo, kiến nghị, đề xuất; tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu, tổ chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra các vụ việc vi phạm ô nhiễm môi trường tại địa bàn quản lý theo thẩm quyền và quy định pháp luật, kết quả thực hiện gửi về UBND tỉnh Kon Tum (qua Sở Nội vụ) trong tháng 12/2024 để xem xét.
UBND tỉnh Kon Tum cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm; nghiên cứu, tiếp thu, giải trình làm rõ các nội dung theo đề nghị của Ban Kinh tế ngân sách HĐND tại báo cáo số 216/BC-BKTNS ngày 26/11/2024 về báo cáo thẩm tra công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025; hoàn thành và gửi về UBND tỉnh trong ngày 1/12/2024 để tổng hợp, báo cáo kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Kon Tum khóa XII theo quy định.
Trước đó, HĐND tỉnh Kon Tum đã ban hành Nghị quyết số 55/NQ-HĐND về kết quả giám sát tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Theo đó, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế liên quan tới công tác bảo vệ môi trường ở nhiều lĩnh vực như khoáng sản, y tế, rác thải sinh hoạt, chăn nuôi... Cụ thể, công tác kiểm tra về bảo vệ môi trường theo đánh giá tác động môi trường và giấy phép môi trường đã cấp cho các chủ dự án, cơ sở kinh doanh chưa được chủ động và quyết liệt. UBND các huyện, thành phố chưa quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện công tác đăng ký môi trường trên địa bàn quản lý (trừ huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi).
Việc triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn trên địa bàn các huyện, thành phố còn lúng túng; vẫn còn tình trạng người dân xả rác sinh hoạt bừa bãi; lạm dụng các loại thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp. Việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đạt tỷ lệ thấp làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường. UBND các huyện, thành phố chưa chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các quy định về khu vực không được phép chăn nuôi theo Nghị quyết số 99/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; nhiều trang trại chăn nuôi heo chưa đảm bảo thủ tục pháp lý về môi trường (hệ thống thu gom, xử lý chất thải chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn nhưng đã đưa vào hoạt động; bể chứa chất thải dễ sạt lở, có nguy cơ tràn ra ngoài môi trường khi mưa lũ sẽ gây ô nhiễm môi trường).
Ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh còn thấp, chưa chủ động, tự giác thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ môi trường còn chạy theo lợi nhuận, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường, nhất là các nhà máy chế biến mủ cao su, tinh bột sắn... xử lý chưa triệt để mùi hôi, nước thải gây ảnh hưởng đến môi trường và người dân xung quanh. Công tác bảo vệ môi trường trong thực hiện các dự án đầu tư, hoạt động xây dựng chưa tốt. Tình trạng đổ thải bừa bãi làm ảnh hưởng đất sản xuất của người dân, đất rừng, đất ven sông suối dễ gây sạt lở, bồi lắng trong mùa mưa bão vẫn còn xảy ra. Một số dự án đầu tư, xây dựng chưa có hồ sơ pháp lý về môi trường, chưa đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải, nước thải theo quy định.