Theo thông tin tại diễn đàn, với địa hình Việt Nam trải dài trên 15 vĩ độ và nhiều vùng tiểu khí hậu, các mô hình dự báo khí tượng, thủy văn cần nhiều thời gian để giảm phương sai xuống dưới 5%. Để nâng cao hiệu quả quản lý hồ thủy lợi, hệ thống vận hành thông minh đang được đề xuất.
Tại diễn đàn, ông Hà Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Công ty KIV, đại diện liên danh KIV - Weatherplus nhận định, Việt Nam có thể cần 15 năm để thu thập và xây dựng đủ dữ liệu đầu vào tiến tới ứng dụng AI vào dự báo khí tượng thủy văn. Vì vậy, việc sử dụng công nghệ số và các hệ thống hỗ trợ trong quản lý hồ chứa là yếu tố quan trọng. Công ty đã áp dụng toàn bộ kỹ thuật và tiêu chuẩn của Nhật Bản để tăng độ chính xác trong tính toán và vận hành, chuyên môn hóa dự báo nhằm phục vụ dự báo nước mưa về hồ trước khi có cơn lũ.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/11/19/dien-dan-ho-chua-nuoc-20241119163318785.jpg)
Quang cảnh diễn đàn
Hiện nay, có khoảng 40 hồ chứa lớn nhỏ chạy thương mại và thử nghiệm các hệ thống quản lý Weatherplus. Đối với ngành thủy điện, hệ thống chứng minh hiệu quả khi kinh tế cao, giúp tăng thu nhập từ 3 - 15% thông qua tiết kiệm nguồn nước. Ngành thủy lợi đã có những thử nghiệm ban đầu, ví dụ như tại hồ Định Bình (Bình Định), hệ thống này đã giúp tiết kiệm được 100 triệu m³ nước cho vụ đông xuân 2019. Trong bối cảnh cơn bão số 3 đổ bộ trực tiếp vào nước ta, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội, con người và tài sản, hệ thống hỗ trợ vận hành hồ chứa (HNT) với công nghệ Nhật Bản đã hỗ trợ vận hành hiệu quả, an toàn ở 3 nhà máy thủy điện trên hệ thống sông Kỳ Cùng.
Ông Hà Ngọc Tuấn nhấn mạnh, việc nâng cao hiệu quả quản lý vận hành hồ chứa không chỉ cần quan tâm đến tuổi thọ của hồ mà còn cần phải ứng dụng công nghệ số, đặc biệt trong việc dự báo, quản lý lũ lụt. Hệ thống HNT giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên nước, đóng vai trò thiết yếu trong việc điều tiết lũ, giảm thiểu xả thừa và tối ưu hóa hoạt động của các công trình thủy lợi, thủy điện. Với khả năng vận hành cột nước cao nhằm giảm tiêu hao, điều tiết lũ an toàn và áp dụng công nghệ số hóa trong quản lý, HNT mang lại những lợi ích rõ rệt về mặt an toàn, hiệu quả, tiết kiệm. Ngoài ra, ứng dụng dự báo và vận hành của HNT còn hỗ trợ các nhà quản lý điều phối, ra quyết định trong các tình huống khẩn cấp hoặc những thời điểm biến động khí hậu mạnh mẽ, giúp duy trì sự ổn định của các hồ chứa, bảo vệ an toàn cho cộng đồng, hệ sinh thái quanh hồ. Mặt khác, thông qua việc ứng dụng các công nghệ số hóa, HNT không chỉ giúp ứng phó nhanh chóng với các tình huống khẩn cấp mà còn nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên nước bền vững trong dài hạn.
Thời gian tới, để phát triển và duy trì các hệ thống HNT thành công, các đơn vị cần hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước và khu vực tư nhân để xây dựng cơ sở hạ tầng và các chính sách quản lý phù hợp, tạo điều kiện thu thập bộ dữ liệu dự báo nhanh chóng, đầy đủ nhất. Từ đó nhanh chóng triển khai hệ thống HNT, tối ưu hóa việc quản lý và điều tiết tài nguyên nước, giảm thiểu rủi ro từ thiên tai và biến đổi khí hậu.
Tổng Biên tập báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ, trong tình hìn hiện nay cần có những giải pháp đồng bộ về xây dựng, hoàn thiện chính sách. Rà soát, hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật phục vụ khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý vận hành đập, hồ chứa nước phù hợp với tình hình mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới như hệ thống quan trắc tự động và công cụ hỗ trợ ra quyết định vận hành…
Ông Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi cho biết, thời gian tới, Cục Thủy lợi sẽ tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách; thực hiện chính sách về quản lý, vận hành hồ chứa thủy lợi; hiện đại hóa hệ thống quản lý vận hành hồ chứa thủy lợi; đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hồ chứa thủy lợi. Đề xuất giải pháp đảm bảo an toàn vùng hạ du, lòng hồ chứa thủy lợi; khai thác hiệu quả, đa mục tiêu hồ chứa thủy lợi.