Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, thời gian ô nhiễm không khí thường kéo dài từ tháng 10 năm trước tới tháng 3 năm sau, khi miền Bắc bước vào mùa đông, thời tiết hanh khô, lượng mưa thấp, trời lặng gió, nghịch nhiệt khiến bụi không khuếch tán được. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân chủ quan gây ra tình trạng này, bao gồm giao thông, hoạt động công nghiệp và đốt ngoài trời.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/11/16/o-nhiem-khi-thai-20241116175105918.jpg)
Ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vận tải
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn, vấn đề ô nhiễm không khí ở Thủ đô nổi bật nhất là ô nhiễm bụi PM 2.5 và PM 10, tiềm ẩn nhiều mối nguy hại tới sức khỏe con người.
Báo cáo Hiện trạng bụi PM2.5 giai đoạn 2019 - 2020 sử dụng dữ liệu đa nguồn tại Hà Nội chỉ ra rằng, có tới 29/30 quận/huyện/thị xã có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia. Giữa các quận, huyện, thị xã cũng có sự chênh lệch nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm, trong đó nồng độ bụi cao hơn ở các quận nội thành và thấp hơn ở các huyện ngoại thành (trừ các huyện Gia Lâm, Đông Anh và Thanh Trì). Kết quả quan trắc giai đoạn 2022 - 2023 cũng cho thấy bụi mịn PM 2.5 trung bình năm tại Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên đều vượt quy chuẩn. Riêng Hà Nội bụi PM 2.5 dao động 26 - 52μg/Nm3, vượt giới hạn 1,1 - 2,1 lần.
Từ thực tế trên, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt quyết định số 1142/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Kế hoạch hướng tới mục tiêu kiếm soát, giảm thiểu các nguồn ô nhiễm chính từ hoạt động giao thông, công nghiệp, đốt mở, dân sinh...; thiết lập hệ thống cảnh báo phòng ngừa ô nhiễm không khí; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, liên cấp, liên vùng; huy động nguồn lực và sự tham gia của nhiều bên để thực hiện giải pháp ngắn và dài hạn.
Ông Nguyễn Minh Tấn kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ chế phối hợp giữa Bộ và các tỉnh, thành phố để trao đổi dữ liệu về môi trường, xây dựng chương trình công tác phối hợp để xử lý vấn đề ô nhiễm liên vùng, liên tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, tình trạng ô nhiễm ở các thành phố lớn gia tăng đến mức đáng lo ngại trong khoảng 10 năm trở lại đây. Ô nhiễm không khí không chia theo địa giới hành chính và không phải trách nhiệm của riêng từng Bộ, ngành hay địa phương. Do đó, bảo vệ môi trường không khí là trách nhiệm của toàn xã hội. Để giải quyết thực tế này, các bên cần ngay lập tức có giải pháp tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Tại hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải mong muốn sớm trình lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải quốc gia đối với phương tiện cơ giới, ban hành quy định nhận diện xe sử dụng năng lượng sạch và thân thiện với môi trường theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024; Bộ Công an đề nghị tăng cường kinh phí, trang thiết bị, nhân lực cho việc thu thập, kiểm định khí thải để phục vụ công tác điều tra, xử lý hành vi vi phạm về khí thải gây ô nhiễm không khí…