Hội thảo được tổ chức với mục tiêu nhận diện, phân tích những khía cạnh pháp lý, kinh tế, môi trường và thực tiễn trong việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam, cũng như tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Trần Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Luật TPHCM gợi mở: Chúng ta chứng kiến một kỷ nguyên mà công trình xanh không chỉ đơn thuần là một xu hướng mà còn là một phần không thể thiếu trong cam kết toàn cầu về phát triển bền vững. Thực tế đã chứng minh, công trình xanh mang đến các thay đổi tích cực về cảnh quan, thiết lập một nền tảng thực tế, năng động để nghiên cứu sự phát triển bền vững.
Các thành tựu trên thế giới cũng nhấn mạnh tiềm năng hợp tác giữa các cơ sở giáo dục và cơ quan chính phủ trong việc mở rộng ranh giới của xây dựng xanh. Tại Việt Nam, lĩnh vực xây dựng đang thúc đẩy các biện pháp xây dựng xanh, phản ánh cam kết của đất nước về tính bền vững và bảo vệ môi trường.
Cần đẩy mạnh phát triển công trình xanh để ứng phó với biến đổi khí hậu
Từ những kinh nghiệm và nghiên cứu thực tế, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM, Tổng giám đốc Phuc Khang Corporation đề xuất cần ban hành một bộ công cụ đánh giá công trình xanh/dự án công trình xanh áp dụng riêng cho Việt Nam và quy định thẩm quyền đánh giá, cấp chứng nhận công trình xanh thuộc cơ quan xây dựng. Điều này là để ngăn chặn tình trạng ứng dụng tùy tiện công trình xanh, làm cơ sở để phát triển công trình xanh một cách bài bản, nghiêm túc, đi vào thực chất.
Bà Mẫu nhấn mạnh, cần có quy định lộ trình bắt buộc thực hiện công trình xanh/dự án công trình xanh chuyển dần từ khu vực công sang khu vực tư nhân. Điều này xem như gửi tín hiệu tới khu vực tư nhân và các nhà đầu tư rằng Chính phủ đang nghiêm túc về vấn đề công trình xanh.
Đồng thời, Việt Nam cần xây dựng thêm chính sách ưu đãi hiệu quả cho các nhà đầu tư công trình xanh như: cho vay với lãi suất ưu đãi; nghiên cứu thưởng diện tích sàn ở một mức độ hợp lý; bổ sung thêm ưu đãi cho các chủ thể phát hành trái phiếu xanh. Cần tổ chức các giải thưởng liên quan công trình xanh nhằm tôn vinh đóng góp của các cá nhân, tổ chức.
Đồng quan điểm, PGS.TS Lưu Quốc Thái, khoa Luật Thương mại, trường Đại học Luật TPHCM nhận định, đầu tư xây dựng công trình xanh (green building) là một trong số những hoạt động đã trở thành xu hướng trên thế giới, để đạt được mục đích hạn chế tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường. Việt Nam từ những năm đầu của thế kỷ XXI đã tham gia các hoạt động đầu tư xây dựng công trình xanh và đến nay cả nước đã có hơn 300 dự án công trình được công nhận đạt tiêu chuẩn xanh. Tuy nhiên, những hoạt động này ở Việt Nam vẫn còn mang tính tự phát vì đang thiếu một khuôn khổ pháp luật để chuẩn hóa cũng như hỗ trợ cho sự phát triển một cách bài bản.
Qua tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia về công trình xanh, chúng ta nhận thấy rằng, sự tham gia chính thức từ phía cơ quan nhà nước là động lực, cơ chế để thúc đẩy và chuẩn hóa hoạt động đầu tư và cấp giấy chứng nhận đối với công trình xanh. Trong đó, Việt Nam với những điều kiện hiện nay, có thể học hỏi kinh nghiệm xây dựng pháp luật để giải quyết các vấn đề: về quy hoạch sử dụng đất cho công trình xanh; về xây dựng, sử dụng năng lượng; về xếp hạng, đánh giá, cấp giấy chứng nhận và kiểm định theo định kỳ; về ưu đãi dự án công trình xanh.
Trong tương lai xa hơn, Việt Nam nên có một bộ luật về công trình xanh như các nước phát triển trên thế giới để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc cho việc thực hiện các dự án công trình xanh.