Công trình xanh

Trường học xanh truyền cảm hứng bảo vệ môi trường

Thứ ba, 12/5/2020 | 11:40 GMT+7
Một trường học xanh không chỉ là ở chương trình giảng dạy hay cơ sở vật chất mà phải là nơi luôn có ý thức về tương lai, thiết kế trải nghiệm học tập cho học sinh theo hướng một thế giới lành mạnh hơn, sạch hơn, bền vững hơn.

Trường mẫu giáo Farming Đồng Nai, Việt Nam

Thiết kế của ngôi trường có mái là thảm cỏ xanh nhằm đề cao không gian xanh dành cho trẻ em, nhờ đó, các em nhỏ có thể hiểu được tầm quan trọng của thiên nhiên và môi trường. Bên cạnh thảm cỏ xanh ở phần mái cho các bé chơi đùa, giáo viên còn trồng những vườn rau sạch vừa cung cấp cho khẩu phần dinh dưỡng cho các bé vừa là nơi cho các bé thực hành chăm sóc cây xanh.

Trường học xanh Bali – Green School Bali

Thoạt nhìn, ngôi trường tư thục ở Indonesia này có thể giống như một khu nghỉ dưỡng sinh thái hơn là một ngôi trường.

Được thành lập vào năm 2008, ngôi trường không có bức tường nào tự hào về nền giáo dục bền vững. Vật liệu xây dựng lên Green School Bali được làm từ tre - một vật liệu có thể phân hủy sinh học. Năng lượng cung cấp cho trường đến từ thủy điện và năng lượng mặt trời.

Trường học xanh Etania – Etania Green School

Ngôi trường ở Sabah, Malaysia là độc nhất vô nhị vì nó được xây dựng lên cho những đứa trẻ không quốc tịch, những người không được tiếp cận với giáo dục ở Malaysia. Ngôi trường này được xây dựng ở khu vực dễ bị lũ lụt, do đó, nó có cấu trúc cao tầng vững chắc, các lớp học ở tầng trên được làm từ gỗ tái chế.

Các tấm pin mặt trời được dùng để cung cấp điện, trong khi mái nhà được tận dụng để dẫn nước mưa phục vụ đủ cho nhu cầu nước sinh hoạt của toàn trường.

Nhà trẻ Bó Mon, Việt Nam

Công trình truyền cảm hứng nhà trẻ Bó Mon nằm trong top 10 công trình kiến trúc mới ấn tượng nhất thế giới hiện đang khiến người yêu kiến trúc cảm thấy phấn khích khi thấy được sự ứng phó sáng tạo, linh hoạt của con người trước hoàn cảnh, thách thức mà thiên nhiên, cuộc sống đặt ra.

Công trình kiến trúc được thực hiện theo phong cách đơn giản nhưng hiệu quả, với một mái nhà khác biệt và độc đáo tạo nên một vùng bóng râm rộng lớn, hình dáng của bóng râm sẽ thay đổi theo vị trí của mặt trời trong ngày.

Trên mái nhà còn có những ô kính nhỏ cho phép ánh sáng mặt trời chiếu vào bên trong công trình, tùy vào điều kiện thời tiết và thời điểm trong ngày mà luồng ánh sáng chiếu vào bên trong công trình sẽ khác nhau, đó cũng là một hiệu ứng ánh sáng thú vị để trẻ nhỏ quan sát.

Hình dáng uốn lượn của mái nhà tạo nên sự hòa hợp với những ngọn đồi xung quanh. Một cây xanh được ấp ôm bởi vòm mái trồng ngay ở lối vào nhà trẻ, đó là một hình ảnh đa nghĩa và dễ thương.

Khoa Thiết kế và Môi trường thuộc Trường ĐHQG Singapore, Singapore 

Đúng với tiêu chí "làm bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu", tòa nhà sẽ tạo ra khoảng 500 MW năng lượng/năm, nhiều hơn một chút so với lượng năng lượng mà các giảng viên và sinh viên của khoa dự kiến sử dụng.

Bao phủ mái nhà là hơn 1.200 tấm pin năng lượng mặt trời. Nếu dư thừa năng lượng, chúng sẽ được tải vào lưới điện chính của khoa - cũng là nguồn cung cấp dự phòng cho tòa nhà.

Học viện Quỹ các trường học độc lập (Independent Schools Foundation - ISF), Hồng Kông

Không nhiều trường học có một hệ thống giám sát năng lượng nhưng ISF thì có. Theo tờ South China Morning Post (SCMP), hệ thống giám sát năng lượng của ISF cảnh báo cho sinh viên khi mức sử dụng năng lượng của họ tăng lên đến mức tạo ra rác thải có hại.

Ngôi trường tại Hồng Kông này cũng có một Trung tâm Giáo dục Năng lượng tái tạo (CREE) và một hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái nhà.
 

Ngân Hoa (T/H)