Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Văn Kế, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, biến đổi khí hậu đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà thế giới phải đối mặt. Sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng xảy ra thường xuyên hơn, mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng hơn.
Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là do tác động tiêu cực từ các hoạt động sản xuất của của con người, trong đó có hoạt động xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng.
Trong ngành xây dựng, phát triển xanh không chỉ giúp giảm thiểu tác động môi trường mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, giảm thiểu chi phí vận hành và bảo dưỡng công trình, đồng thời tối ưu hóa sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
Trong lĩnh vực phát triển vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách liên quan đến phát triển ngành vật liệu xây dựng. Trong các chính sách đó, mục tiêu phát triển bền vững, phát triển xanh, bảo vệ môi trường trong sản xuất vật liệu xây dựng luôn là một nội dung quan trọng.
![](/userfile/User/dohuong/images/2024/10/03/vat-lieu-20241004100715906.jpg)
Thúc đẩy sử dụng vật liệu xanh trong xây dựng
Ông Lê Cao Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Thiết bị, môi trường và an toàn lao động, Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện nay, trên thế giới có 6 xu hướng sử dụng vật liệu xanh gồm: hiệu quả năng lượng trong công trình; tái chế và tái sử dụng vật liệu xây dựng; sử dụng vật liệu từ nguồn tài nguyên tái tạo; vật liệu thân thiện với sức khỏe con người; công nghệ sinh học và vật liệu phân hủy sinh học; sử dụng công nghệ và vật liệu thông minh.
Theo đánh giá của Viện vật liệu xây dựng, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển ngành vật liệu xây dựng xanh nhờ nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, tiềm năng tái chế các loại vật liệu và nhu cầu vật liệu xanh tăng cao từ xu hướng toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả các cơ hội này, cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, chính sách hỗ trợ và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích của vật liệu xanh.
Tuy nhiên, theo các đại biểu tham dự hội thảo, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong việc áp dụng vật liệu xanh. Những thách thức này là chi phí đầu tư ban đầu cao, thiếu các tiêu chuẩn, quy định cụ thể và sự hạn chế về nguồn cung vật liệu xanh hay sản phẩm mới ở trong nước.
Vì vậy, để thúc đẩy sử dụng vật liệu xanh trong xây dựng, ông Nguyễn Quang Hiệp, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn; xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích sử dụng vật liệu tái chế và tái tạo. Việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các công trình xây dựng cũng đóng vai trò quan trọng trong giảm phát thải CO2 và tiết kiệm tài nguyên.
Với sự phát triển của công nghệ sinh học và vật liệu thông minh, tương lai của ngành xây dựng xanh sẽ ngày càng phát triển. Việc sử dụng vật liệu phân hủy sinh học cùng với tích hợp công nghệ tiên tiến như kính thông minh và hệ thống năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường, đồng thời tạo ra các công trình hiệu quả, bền vững hơn.
Trong khi đó, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Giang, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh sự cấp thiết của việc tái chế chất thải rắn xây dựng để sản xuất vật liệu xây dựng khi nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt. Theo ông Nguyễn Hoàng Giang, yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển vật liệu tái chế từ chất thải rắn xây dựng là cơ chế, chính sách quản lý từ Trung ương tới địa phương.
Bên cạnh đó, các chuyên gia và doanh nghiệp tham dự hội thảo cũng đề xuất cần có chế tài để xử lý trường hợp vi phạm việc thực hiện những chủ trương, cơ chế, chính sách đã ban hành về sản xuất, khai thác, sử dụng vật liệu xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng trong công trình xây dựng. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về lợi ích của vật liệu xây dựng xanh, công trình xanh, từ đó, từng bước thay đổi thói quen sử dụng vật liệu xây dựng...