Công viên tái chế tại Rotterdam, Hà Lan
Công viên tái chế được làm hoàn toàn bằng nhựa và rác thải trôi nổi trên sông. Số nhựa tái chế được tạo thành hình ô tròn lục giác để tái hiện khung cảnh sông Maas ở Rotterdam trước khi dòng sông này bị con người làm thay đổi cảnh vật.
Những nền nổi này được làm từ rác thải nhựa với mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường. Đồng thời, chúng được tạo ra để làm môi trường sống cho các sinh vật. Thực vật phát triển đồng thời cả trên và dưới bề mặt sông, cung cấp nguồn thứ ăn duy trì sinh vật biển và khuyến khích cá đẻ trứng bên dưới mặt nước.
Mô hình MR6 tại Cumbira, Anh
Tại Anh, kỹ sư McCartney đã phối hợp cùng các chuyên gia ở Scotland nghiên cứu và tái chế nhựa thành chất liệu mới mang tên MR6.
Ý tưởng này được ông phát triển từ việc thấy người dân Ấn Độ đốt nhựa để lấp ổ gà, ổ voi trên đường. Theo đó, mô hình này sẽ sử dụng nhựa phế thải, chất thải nông nghiệp và chất thải thương mại làm nguyên liệu.
Được biết, mặt đường được cho là có chất lượng tốt hơn đến 60% và tuổi thọ kéo dài gấp 10 lần so với đường nhựa thông thường. Ban đầu, mô hình này được áp dụng gần trang trại ông McCartney sinh sống, sau dần mở rộng trong quận Cumbria, Anh.
Căn nhà siêu bền từ rác tái chế tại Taos, Mexico
Earthships là căn nhà siêu bền vững được xây nên từ rác tái chế như chai lọ, lốp xe, lon nhôm và một vài loại rác khác. Các lon, chai được đổ đầy đất, sau đó được trát xung quanh bằng bùn tự nhiên.
Những ngôi nhà có thiết kế độc đáo này thường được lắp đặt các tấm thu năng lượng mặt trời hoặc những tua bin gió nhỏ, để tạo ra điện sạch.
Nhiều căn Earthships còn có hệ thống nước tái chế và cả thực phẩm sạch (từ nhà kính). Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi biết rằng những căn nhà siêu bền vững này có những tiện nghi mà nhiều căn nhà truyền thống không thể có được.
Ngôi nhà làm bằng nhựa tái chế, Hà Lan
Tại tuần lễ thiết kế Hà Lan, một công trình do hai đơn vị SLA và Overtreders W thiết kế được đánh giá là vượt ra khỏi ranh giới của một nơi chỉ dùng để ở, nhờ làm từ các vật liệu tái chế, đóng góp vào mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường. Với diện tích 250 m2, công trình bao gồm một khán phòng hình chữ thập có thể chứa 200 người ngồi, hoặc 600 người đứng.
Hiện tại, SLA và Overtreders W đã xây được 4 công trình toàn bằng vật liệu tái chế. Được biết, thời gian tới, hai đơn vị trên sẽ cho ra đời những tòa nhà tường, gạch, mái đủ màu sắc bằng nhựa tái chế. Nhựa này được chế biến từ các đồ bỏ đi như chai dầu gội đầu, thau, chậu nhựa...
Chùa Wat Pa Maha Chedi Kaew, Thái Lan
Ngôi chùa vỏ chai được xây dựng xuất phát từ ý tưởng khá độc đáo của các nhà sư ở tỉnh Siskat của Thái Lan. Công trình không sử dụng bất cứ vật liệu nào khác ngoài những vỏ chai bia Heineken và vỏ chai Chang khá nổi tiếng ở Thái Lan.
Ngôi chùa bắt đầu được xây dựng từ năm 1980, và phải mất đến 25 năm những nhà sư của chùa mới huy động đủ số lượng vỏ chai về chùa. Thành quả mà họ đạt được là đã có hơn 1,5 triệu vỏ chai và xây dựng nên 20 tòa nhà phức tạp bao gồm chính điện, phòng cầu nguyện, một cái tháp, nhà hỏa táng, phòng tắm cho khách và nhiều hơn nữa…