Văn hóa, du lịch

Điện ảnh Việt Nam: Từ bảo hộ bản quyền đến xây dựng nền công nghiệp

Thứ năm, 23/11/2023 | 11:10 GMT+7
Bảo hộ bản quyền và xây dựng công nghiệp điện ảnh là hai hội thảo trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 đang diễn ra tại thành phố Đà Lạt. Hội thảo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) và tỉnh Lâm Đồng tổ chức vào ngày 22 và 23/11, thu hút tham gia của hàng trăm đại biểu là những nhà quản lý, nhà làm phim, đạo diễn, diễn viên trong cả nước.

Tìm giải pháp bảo hộ bản quyền điện ảnh Việt

Tại diễn đàn Hội thảo, ý kiến thẳng thắn đến từ ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam rằng, thực trạng vi phạm bản quyền xảy ra ngay trong giới làm phim. Ông đơn cử, một số nhà làm phim sử dụng hình ảnh của các bộ phim tài liệu có trên mạng trước đó để đưa vào tác phẩm của mình và chỉ ghi có một dòng ngắn với nội dung “phim có sử dụng tài liệu đồng nghiệp” nhưng không hề xin phép tác giả. Theo ông Tú, ngoài việc phải xin phép, các nhà làm phim phải “chú thích rõ ràng những tư liệu được lấy từ đồng nghiệp nào, phim nào. Đó mới là sự tôn trọng cần thiết với vấn đề tác quyền trong điện ảnh”.

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Đạo diễn, nhà sản xuất phim Lương Đình Dũng và các nhà sản xuất phim khác cũng khẳng định thực trạng là nhiều bộ phim Việt Nam đang còn xâm phạm bản quyền, phát tán trên môi trường mạng…Hậu quả là gây thiệt hại cho các nhà sản xuất phim. Vì vậy, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ từ các cơ quan có thẩm quyền, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý nghiêm tình trạng kéo dài này.

Hội thảo Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh 

Cũng tại Hội thảo, bà Sylvie Forbin, Phó tổng giám đốc Lĩnh vực bản quyền và sáng tạo thuộc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO, Thụy Sĩ) cho rằng, để lĩnh vực nghe nhìn (audiovisual) trở thành công nghiệp cần có những nỗ lực nghiêm túc. Điện ảnh trở thành một ngành công nghiệp thực sự phải có khung pháp lý thuận lợi và là điều tối quan trọng. Vì vậy, cần xác định chuỗi giá trị và quyền giữa tất cả các bên liên quan đến quá trình sản xuất phim. Bà cũng cho biết, Việt Nam đang tham gia tích cực vào các điều ước đa phương về quyền tác giả và quyền liên quan do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới quản lý. “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các bạn thực thi các điều ước này để nó mang lại lợi ích thực sự cho đất nước. Theo hướng này, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng và tính hữu ích của Hiệp ước WIPO Bắc Kinh về biểu diễn nghe nhìn. Chúng tôi mong muốn Việt Nam sớm gia nhập hiệp ước để tác giả, người biểu diễn và các bên liên quan khác trong ngành điện ảnh Việt Nam có thể được bảo vệ không chỉ trong nước mà còn trên thị trường toàn cầu”, bà Forbin khẳng định.

Xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam

Tại Hội thảo, ông Vi Kiến Thành-Cục trưởng Cục Điện ảnh nhấn mạnh: “Công nghiệp điện ảnh là ngành kinh tế sáng tạo thông qua tài năng nghệ thuật, sức sáng tạo của các nghệ sĩ, và ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo nên sản phẩm hàng hóa đặc biệt là những bộ phim lôi cuốn, đến với người xem bằng nhiều hình thức phổ biến hiện đại, phù hợp với thời đại công nghệ 4.0 và tính toàn cầu hóa của nghệ thuật điện ảnh”.

Hội thảo đã có nhiều tham luận và trao đổi xoay quanh một số nội dung như chính sách của Nhà nước trong hoạt động sản xuất, phát hành, phổ biến phim, hoạt động sản xuất phim trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc huy động các nguồn vốn cho Điện ảnh, công tác lý luận phê bình điện ảnh gắn kết với công tác khán giả. Hoạt động điện ảnh còn cần gắn kết với ngành du lịch, hợp tác quốc tế. Các đại biểu cũng thảo luận những vấn đề khác như: công nghệ, trường quay… nhằm gợi mở, xây dựng, thúc đẩu sự phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam.

Hội thảo Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam 

Bà Ngô Thị Ngọc Oanh-Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ VH, TT&DL cung cấp “Một số nghiên cứu về chính sách ưu đãi trong phát triển điện ảnh”; PGS. TS. Bùi Hoài Sơn-Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội với tham luận “Dữ liệu lớn trong xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam”. Ông Sơn nhấn mạnh: “Dữ liệu lớn không chỉ giúp tạo ra nội dung sáng tạo và phong cách hấp dẫn hơn, mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành điện ảnh. Các công ty và nhà sản xuất phim có thể sử dụng dữ liệu lớn để hiểu rõ hơn về nhu cầu của khán giả, cải thiện quản lý sản xuất, và tối ưu hóa chiến lược tiếp thị”. Tuy nhiên, triển khai dữ liệu lớn đòi hỏi đầu tư nguồn lực và quản lý thông minh…

Minh Đạo