Doanh nghiệp còn thờ ơ với thành phố thông minh

Thứ năm, 26/12/2019 | 15:12 GMT+7
Ngày 25/12, tại hội thảo Doanh nghiệp, doanh nhân với Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, chia sẻ về thành phố thông minh theo tiêu chuẩn phát triển bền vững của ISO 37122, Thạc sĩ Đỗ Văn Hưng nhấn mạnh, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về thành phố thông minh, CMCN 4.0 vẫn còn hạn chế. 79% doanh nghiệp chưa chuẩn bị cho CMCN 4.0; 55% đang tìm hiểu và nghiên cứu; 19% đang xây dựng kế hoạch; 12% đang triển khai các biện pháp ứng phó.

Theo ông Đỗ Văn Hưng, “Smart City (thành phố thông minh) là thành phố tăng tốc độ cung cấp kết quả bền vững về xã hội, kinh tế và môi trường, ứng phó với các thách thức như biến đổi khí hậu, tăng dân số nhanh chóng, bất ổn chính trị và kinh tế bằng cách cải thiện cơ bản cách thức tham gia vào xã hội”.

Ông Đỗ Văn Hưng trình bày về mô hình thành phố thông minh trong hội thảo Doanh nghiệp, doanh nhân với Cách mạng công nghiệp 4.0

Thành phố thông minh đứng thứ 4 trong top 15 lĩnh vực chủ đạo của Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), là bước tiến mới sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để dần thay thế công việc của con người, hướng đến mục tiêu thành phố đáng sống, bảo vệ môi trường. Trong đó, để trở thành một thành phố thông minh, các thành phố sẽ áp dụng khoa học công nghệ để đáp ứng được 7 chỉ số lõi trong bộ chỉ số do Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế ISO đã đặt ra. Theo đó, một thành phố thông minh phục vụ cộng đồng phải bao gồm một số tiêu chí như kiểm soát chất lượng không khí; kiểm soát nguồn nước, quản lý chất thải; quản lý tiếng ồn; tiết kiệm năng lượng… 

Hải Phòng là thành phố đầu tiên của Việt Nam hướng đến mục tiêu trở thành một thành phố thông minh

Ở Việt Nam hiện nay, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về thành phố thông minh, CMCN 4.0 vẫn còn hạn chế. 79% doanh nghiệp chưa chuẩn bị cho CMCN 4.0; 55% đang tìm hiểu và nghiên cứu; 19% đang xây dựng kế hoạch; 12% đang triển khai các biện pháp ứng phó. Đặc biệt, 67% doanh nghiệp cho biết, họ không thấy AI liên quan hoặc ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp, do đó 54% khẳng định chưa có nhu cầu quan tâm đến cuộc cách mạng này.

Hiện nay, trình độ lãnh đạo doanh nghiệp ở Việt Nam chỉ có 37,84% đạt trình độ đại học; 18,78% đạt cao đẳng, trung cấp. Trình độ tốt nghiệp đại học của người lao động cũng chỉ được 9,6%; cao đẳng, trung cấp ở mức 7,59%. Đây là con số đáng quan ngại và là trở ngại chính trong chất lượng nguồn nhân lực để có thể áp dụng được khoa học công nghệ tiên tiến hướng đến mục tiêu thành phố thông minh.

Đặc biệt, với sự phát triển như vũ bão của mạng lưới internet, hàng loạt tiền ảo và ứng dụng thanh toán trực tuyến đã du nhập vào Việt Nam. Các phương thức thanh toán điện tử tuy mang lại nhiều tiện ích cho xã hội nhưng lại khó kiểm soát và dễ bị biến tướng do trình độ lao động thấp.

Với chỉ 1% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng công nghệ tiên tiến, ông Hưng cho rằng cần thiết phải có những chính sách để doanh nghiệp mở rộng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp để đón nhận và áp dụng AI vào cuộc sống. Trước bối cảnh các nước phát triển trên thế giới bắt đầu đi vào giai đoạn đầu tiên trong CMCN 4.0, các nước đang phát triển như Việt Nam hoàn toàn có thể nắm bắt cơ hội này để bắt kịp, thậm chí vượt qua các quốc gia phát triển khác.
 

Ngọc Huyền