Khoa học công nghệ

Đổi mới sáng tạo: Giải pháp thúc đẩy các mục tiêu trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững của Việt Nam

Thứ tư, 5/6/2024 | 16:00 GMT+7
Đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững đóng vai trò then chốt trong việc củng cố lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong tương lai, đồng thời mang lại giá trị không chỉ cho nhà đầu tư mà còn cho cả cộng đồng. Thông qua đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp có thể đạt được những mục tiêu liên quan đến phát triển bền vững một cách hiệu quả hơn.

Đây là nội dung quan trọng được đề cập trong diễn đàn “Đối mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững" do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức vào ngày 5/6/2024 tại Hà Nội. Chương trình có sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).

Bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại diễn đàn

Từ góc độ truyền thông chính sách, bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược Phát triển thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực này. Bà đề xuất Nhà nước cần thiết lập các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia vào hoạt động truyền thông chính sách, đồng thời phát triển các công nghệ nền tảng để lưu trữ, khai thác, phổ biến và phát triển dữ liệu truyền thông chính sách. Hơn nữa, cần tăng cường hợp tác với các vườn ươm và doanh nghiệp công nghệ số nhằm nâng cao ứng dụng công nghệ trong truyền thông chính sách, đặc biệt là trong sản xuất sản phẩm truyền thông và chuyển giao công nghệ truyền thông.

Ông Vương Đình Vũ, Giám đốc BuyMed, Hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam phát biểu tại diễn đàn

Chia sẻ từ thực tiễn ngành dược, ông Vương Đình Vũ, Giám đốc BuyMed, Hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam đã nêu ra một số bài học kinh nghiệm về chuyển đổi số trong ngành dược phẩm. Hiện nay, ngành dược đang cung cấp nền tảng số và hạ tầng kỹ thuật để giải quyết triệt để vấn đề phân mảnh, chuyển đổi sang mô hình phân phối mới và đầu tư vào năng lực chuyển giao, đồng thời số hóa quy trình và đẩy mạnh phân phối trực tuyến. Nhờ những thay đổi này, ngành dược đã giúp khoảng hơn 30.000 nhà thuốc và phòng khám tiết kiệm 75% thời gian, 80% vốn lưu động và 50% chi phí vận chuyển.

Trong khuôn khổ các phát biểu về đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số, các diễn giả, chuyên gia và doanh nghiệp đã cùng thảo luận để tìm ra các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Việt Nam. Phát triển trong quá trình chuyển đổi số, BuyMed là công ty khởi nghiệp điều hành trang thương mại điện tử Thuocsi.vn, phân phối dược phẩm trực tiếp theo mô hình B2B. Công ty tập trung cung cấp các sản phẩm y tế, thuốc và giải pháp chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, với tham vọng tạo ra một cuộc cách mạng để làm cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở châu Á có giá cả phải chăng và dễ tiếp cận.

Tuy nhiên, có một sự khác biệt rõ ràng giữa thực tế và kỳ vọng về hiệu quả của chuyển đổi số. Mặc dù BuyMed đã hợp tác với hơn 2.000 công ty dược phẩm và nhà bán hàng uy tín với hơn 35.000 sản phẩm, việc tiếp cận khách hàng vẫn gặp nhiều khó khăn do rào cản thị trường. Thêm vào đó, tình trạng thuốc giả và việc quảng bá không đúng giá trị sản phẩm đã làm giảm doanh thu của các doanh nghiệp cung ứng dược phẩm.

Chính sách và khả năng tiếp cận chính sách cũng là một vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số gắn với đổi mới sáng tạo. Việc không tiếp cận được các chính sách hỗ trợ từ nhà nước đã khiến nhiều doanh nghiệp mất đi cơ hội phát triển.

PV