Thông tin tại hội thảo, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên cho biết, ngành đang triển khai bộ tiêu chí đánh giá “Trường học, lớp học không rác, xanh - sạch - đẹp - an toàn”. Theo đó, các nhóm tiêu chí được thực hiện trong toàn ngành bao gồm: giáo dục và truyền thông về thực hành không rác; xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn; khuyến khích các trường tổ chức cho học sinh ký cam kết thực hiện 3 không (không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; không sử dụng bọc vở, sách bằng chất liệu nilon; không sử dụng bảng biểu, pano, áp phích bằng chất liệu nhựa)…
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các Sở, ngành, tổ chức môi trường xây dựng tài liệu về tuyên truyền, giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 cho các trường học để đưa vào giảng dạy tích hợp, lồng ghép trong các môn học và hoạt động giáo dục khác.
Năm học 2023 - 2024, tỉnh Phú Yên có 359 trường học. Qua khảo sát, lượng rác thải phát sinh mỗi ngày từ các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh vào khoảng 30,5 tấn; lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trung bình từ các cơ sở giáo dục khoảng 0,155kg/ngày/người. Trong đó, đồ nhựa dùng một lần chiếm tỉ trọng lớn (49,9% nhựa dùng một lần; 45,4% vỏ bánh kẹo, hộp sữa, túi nhựa…).
Phú Yên tích cực giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần trong trường học
Theo điều phối viên của WWF Việt Nam Trịnh Thị Ngọc Ánh, việc triển khai mô hình Trường học không rác ở Phú Yên đến nay đã có nhiều kết quả tích cực, với 16 trường học trên địa bàn tỉnh tham gia mô hình này. Giáo viên và học sinh tham gia mô hình được trang bị những kiến thức về rác thải nhựa, nhựa dùng một lần và tác hại của đồ nhựa tới sức khỏe người tiêu dùng.
Để triển khai mô hình Trường học không rác đạt hiệu quả cao, các trường cần nhìn nhận lại hiện trạng rác nhựa ở trường mình, bao gồm trình độ kiến thức, nhận thức, kỹ năng, thái độ của học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên, cơ sở vật chất của trường… để đưa ra chương trình thiết thực, hiệu quả, phù hợp nhất. Các đơn vị liên quan cần xây dựng, áp dụng những tiêu chí trường học không rác thải, có thể lồng ghép vào bộ tiêu chí trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn hiện có của địa phương.
Ngoài ra, các trường nên xây dựng và áp dụng nhiều bài học ngoại khóa có liên quan tới rác thải nhựa cho học sinh hoặc thử nghiệm lồng ghép nội dung về giảm nhựa trong bài học chính khóa; xây dựng, áp dụng nội quy giảm nhựa, bảo vệ môi trường tại trường học.
Ông Lê Hồng Duy, Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên chia sẻ, từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã triển khai và duy trì mô hình Trường học không rác thải nhựa. Mô hình nhằm tăng cường các hoạt động phân loại, tái chế rác thải, hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần. Việc thu gom tập trung các loại rác thải và xử lý bảo đảm hợp vệ sinh môi trường đã góp phần nâng cao ý thức của giáo viên, học sinh trong việc bảo vệ môi trường, giảm đáng kể tình trạng vứt rác bừa bãi.
Hiệu quả mang lại của việc thực hành quy định giảm rác nhựa dùng một lần trong trường học không chỉ đơn thuần là giáo dục bảo vệ môi trường sống, xây dựng cảnh quan sư phạm xanh - sạch - đẹp mà còn hỗ trợ tích cực cho các hoạt động giáo dục khác trong nhà trường như giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm… góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh.