Tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ đang chỉ đạo quyết liệt để xây dựng mã số vùng trồng cho các vùng nguyên liệu để đảm bảo tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu.
Thứ trưởng nhấn mạnh: Vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm ngày càng được người tiêu dùng quan tâm nên việc xây dựng mã số vùng trồng cho các vùng nguyên liệu là rất cần thiết. Bộ đang xây dựng các vùng nguyên liệu lớn tại An Giang, Đồng Tháp và một số tỉnh khác ở đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích hơn 150.000ha. Do đó, Cục BVTV cần ưu tiên cấp mã số vùng trồng cho các vùng nguyên liệu này để tập trung nguồn lực cho những khu vực trọng điểm, tạo ra những vùng nguyên liệu đạt chuẩn có quy mô lớn. Cũng như cần hợp tác chặt chẽ với Trung tâm Khuyến nông quốc gia để triển khai kế hoạch hiệu quả và sẵn sàng nhân rộng ra nhiều địa phương khác.
Theo thỏa thuận, các bên sẽ phối hợp xây dựng bộ tài liệu tập huấn về thiết lập mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đối với cây trồng chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu như lúa, cây ăn quả và rau màu của An Giang và Đồng Tháp, trong đó cũng bao gồm hướng dẫn quản lý sử dụng phân bón, thuốc BVTV, chương trình giám sát dư lượng thuốc BVTV và thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV tại vùng trồng.
Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm ký thỏa thuận hợp tác tại điểm cầu An Giang
Phối hợp đào tạo kiến thức cho cán bộ kỹ thuật, doanh nghiệp và nông dân về công tác quản lý và sử dụng hợp lý, có trách nhiệm vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp (giống, thuốc BVTV, phân bón…); mã số vùng trồng, đóng gói; thu gom bao bì… Xây dựng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học, hướng đến nền sản xuất bền vững, đa giá trị.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, các bên tham gia ký kết đặt mục tiêu 100% nông dân tại các vườn trồng đã gắn mã số tại An Giang và Đồng Tháp đều được tập huấn kiến thức về mã số vùng trồng, sử dụng phân bón và thuốc BVTV.
Riêng tỉnh An Giang phấn đấu gắn được 30 cơ sở đóng gói, 699 mã số vùng trồng lúa, 530 mã số vùng trồng rau và 617 mã số vùng trồng cây ăn quả, với tổng diện tích là 187.421ha; xây dựng được 37 mô hình trồng lúa, 14 mô hình trồng rau màu và 8 mô hình trồng cây ăn quả sử dụng hợp lý vật tư đầu vào, tăng hiệu quả, giảm chi phí và kết hợp với truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Tỉnh Đồng Tháp cũng phấn đấu gắn được 25 mã cơ sở đóng gói, 131 mã số vùng trồng lúa, 56 mã số vùng trồng rau màu, 324 mã số vùng trồng cây ăn quả, với tổng diện tích 62.484ha; 25 mô hình lúa, 23 mô hình rau màu và 58 mô hình cây ăn quả sử dụng hợp lý vật tư đầu vào, tăng hiệu quả, giảm chi phí và kết hợp với truy xuất nguồn gốc. Các mô hình này đều được đăng ký gắn mã số vùng trồng.
Có thể thấy, thỏa thuận sẽ là cơ hội để các bên tham gia phát huy thế mạnh, cùng hợp tác phát triển nhằm góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương và cả nước theo hướng hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.