Môi trường (old)

Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ đại dương

Thứ sáu, 6/9/2019 | 11:55 GMT+7
Hội nghị cấp cao về thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ đại dương nhằm thảo luận về những thách thức chính do biến đổi khí hậu và ô nhiễm và xác định các cơ hội để tăng cường khả năng phục hồi của các quốc gia và cộng đồng dễ bị tổn thương và bảo vệ hệ sinh thái đại dương để phát triển kinh tế…

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, với vai trò thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch Hội đồng ASEAN vào năm 2020. Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức một Hội nghị quốc tế về thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ đại dương với mục đích đẩy nhanh các hành động khí hậu và tăng cường bảo vệ đại dương.

Dự kiến Chính phủ Na Uy và UNDP sẽ hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc tế này vào năm 2020. Kết quả từ hội nghị sẽ đưa vào các cuộc thảo luận và tranh luận tại ASEAN và UNSC.

Hội nghị cấp cao về thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ đại dương này nhằm thảo luận về những thách thức chính do biến đổi khí hậu và ô nhiễm và xác định các cơ hội để tăng tốc các hành động nhằm tăng cường khả năng phục hồi của các quốc gia và cộng đồng dễ bị tổn thương và bảo vệ hệ sinh thái đại dương để phát triển kinh tế;  đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn tốt nhất và kết quả nghiên cứu để nâng cao kiến thức về các chiến lược và hành động thích ứng thành công; khuyến khích kết nối cộng tác Nam - Nam và Bắc - Nam, thúc đẩy hợp tác và phát triển sự phối hợp giữa các sáng kiến.

(Ảnh minh họa)

Hội nghị dự kiến sẽ có 3 Phiên toàn thể; 5 Hội thảo chuyên ngành, trong đó mỗi Hội thảo chuyên ngành sẽ có 4 phiên song song theo từng nhóm vấn đề cụ thể. Chủ đề của các Hội thảo chuyên ngành dự kiến sẽ tập trung các vấn đề chính gồm: Các thành phố và cơ sở hạ tầng ven biển có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu; Khả năng chống chịu của các cộng đồng và hệ sinh thái dễ bị tổn thương; Thích ứng ngành để duy trì tăng trưởng kinh tế đại dương; Ô nhiễm và rác thải đại dương; Tài chính khí hậu.

Kết quả dự kiến của Hội nghị sẽ đưa ra một tuyên bố chung về các bước quan trọng trong việc xây dựng khả năng phục hồi của các quốc gia và cộng đồng dễ bị tổn thương và duy trì sự tăng trưởng của nền kinh tế đại dương.

Hội nghị sẽ có sự tham dự và phát biểu của Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, Lãnh đạo Chính phủ Na Uy và Lãnh đạo Chính phủ một số quốc gia đảo nhỏ. Hội nghị dự kiến thu hút sự tham gia của hơn 400 đại biểu tới từ 58 nước đang phát triển, 11 nước phát triển; trong đó có 10 quốc gia ASEAN, một số quốc gia phát triển thuộc G20, một số quốc đảo nhỏ, một số quốc gia dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu và nước biển dâng, các tổ chức quốc tế; đại diện một số Nhà tài trợ đa phương, song phương, các đối tác quốc tế, các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước có quan tâm.

Huyền Châu