Kinh tế xanh

Đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế xanh

Thứ năm, 27/6/2024 | 10:45 GMT+7
Ngày 27/6, tại Hà Nội, Diễn đàn Nhà quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường lần thứ VIII được tổ chức với chủ đề “Kinh tế xanh - Trách nhiệm của nhà sản xuất”.

Diễn đàn có mục tiêu chung là bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Theo đó, sự kiện tập trung vào các vấn đề liên quan đến phát triển xanh của doanh nghiệp bao gồm: trách nhiệm và vướng mắc đang cản trở doanh nghiệp thực hành phát triển bền vững; thảo luận hành lang cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp xanh, vai trò của báo chí truyền thông trong việc đồng hành, tuyên truyền và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế, cả về chính sách và hoạt động của các doanh nghiệp.

Diễn đàn Nhà quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường lần thứ VIII

Theo thông tin tại diễn đàn, kinh tế xanh là nền kinh tế phát thải carbon thấp, giảm thiểu mối nguy hại đến môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Nền tảng kinh tế xanh đặt ra khuôn khổ lồng ghép các hoạt động kinh tế với vấn đề bảo vệ môi trường và tài nguyên. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 của Việt Nam khẳng định mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất. 

Trong đó, Chính phủ đặt mục tiêu: cường độ phát thải trên GDP vào năm 2030 giảm ít nhất 15% so với năm 2014, giảm ít nhất 30% đến năm 2050. Tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95% đến năm 2030. Tỉ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, thời gian gần đây, sự hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp về kinh doanh bền vững, giảm phát thải ra môi trường đã được nâng cao rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy kinh doanh xanh là chiến lược, lợi thế cạnh tranh. Nhiều tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn cũng đã nhanh chóng vào cuộc, đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế carbon thấp, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra rằng, sự thay đổi trên chủ yếu diễn ra ở khối các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đó số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khá nhiều nhưng chưa quan tâm thích đáng và chưa có chuyển biến rõ nét. Do vậy, thời gian tới, các doanh nghiệp cần quyết tâm chuyển đổi mạnh mẽ, đặc biệt trong nâng cao hiểu biết, nhận thức về trách nhiệm của mình về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nắm bắt các quy định liên quan của cả trong nước và quốc tế.

Thứ trưởng chỉ đạo cần phải có quyết sách đủ mạnh để cụ thể hóa quan điểm “đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững”; đồng thời huy động được nguồn lực xã hội hóa, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để sớm đạt được các mục tiêu của phát triển nền kinh tế xanh.

Diễn đàn có 2 phiên làm việc chính. Trong đó phiên tham luận “Kinh tế xanh - Trách nhiệm của nhà sản xuất” thu hút sự tham gia của nhiều diễn giả, chuyên gia về kinh tế xanh. Các ý kiến tại phiên làm việc góp phần làm rõ thực tế, chính sách, vai trò của các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong việc xây dựng một nền kinh tế giảm phát thải, phù hợp với yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu trong phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam.

Trong phiên toạ đàm “Con đường đến đích xanh”, các diễn giả tập trung thảo luận những tồn tại về chính sách, điểm yếu của các doanh nghiệp và vai trò của báo chí truyền thông trong hành trình đến đích xanh của nền kinh tế, từ đó tìm ra giải pháp để tháo gỡ các điểm nghẽn.

Linh Giang (T/H)