Môi trường (old)

Đức – Việt Nam: Trao đổi về nhu cầu thực hiện NDC

Thứ ba, 14/11/2017 | 10:57 GMT+7
Trong khuôn khổ hội nghị COP 23 đang diễn ra tại Bonn (CHLB Đức), Đoàn công tác của Việt Nam vừa có buổi làm việc song phương với đại diện các Bộ của Cộng hoà liên bang Đức nhằm trao đổi các nhu cầu hỗ trợ của Việt Nam thực hiện báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), và khả năng đáp ứng của Đức thông qua Sáng kiến khí hậu (IKI) của Đức.

Bộ TN&MT chủ trì buổi làm việc, cùng với sự tham gia của đại diện các Bộ: KH&ĐT, NN&PTNT, Xây dựng, Công Thương, GTVT, Ngoại giao. Về phía Đức có đại diện Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, xây dựng và an toàn hạt nhân; Đại diện Đại sứ quán Đức tại Hà Nội và Cố vấn trưởng GIZ tại Hà Nội.

Đoàn công tác của Việt Nam tham gia buổi làm việc
Đoàn công tác Việt Nam tại Hội nghị COP 23 tham gia buổi làm việc

Thay mặt đoàn Việt Nam, ông Phạm Văn Tấn đã tóm tắt với phía Đức về những nỗ lực của VN trong việc xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Thảo thuận Paris về BĐKH; rà soát cập nhật NDC và xây dựng thể chế để thực hiện các yêu cầu do Thoả thuận Paris quy định. Ông Tấn cản ơn CP Đức, thông qua GIZ đã hỗ trợ VN xây dựng INDC, Kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris, rà soát cập nhật NDC và các chương trình dự án khác. Các hoạt động của Đức tại VN được đánh giá là rất hiệu quả, đáp ứng nhu cầu cấp bách và lâu dài của VN cả về thích ứng và giảm nhẹ phát thải KNK.

Ông Chu Văn Chuông (đại diện Bộ NN&PTNT) đã đề xuất nhu cầu hỗ trợ cho trồng, bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng, ứng phó BĐKH trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ông Chuông nhấn mạnh, lâm nghiệp là lĩnh vực đóng góp lớn nhất cho giảm phát thải và Việt Nam kì vọng sẽ tăng tỉ lệ che phủ rừng lên 45% tới năm 2030. Lĩnh vực thứ 2 đóng góp cho NDC là trồng trọt, đặc biệt là trồng lúa giảm phát thải CH4.

Hai bên trao đổi về nhu cầu ứng phó BĐKH của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực
Hai bên trao đổi về nhu cầu ứng phó BĐKH của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực

Đại diện Bộ Công Thương, ông Nguyễn Văn Lượng trình bày về nhu cầu và mong muốn hợp tác với Đức trong phát triển năng lượng tái tạo, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Đây là hai lĩnh vực chủ chốt đóng góp cho thực hiện mục tiêu NDC của Việt Nam.

Hiện, IKI đã có vòng xét duyệt dự án đầu tiên hỗ trợ 2 dự án, gồm: dự án VNSIPA do Bộ TN&MT chủ trì nhằm hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực thể chế thực hiện Thoả thuận Paris về BĐKH và dự án về năng lượng sinh học do Bộ Công Thương chủ trì. Bộ KH&ĐT thực hiện các nhiệm vụ lồng ghép vào Kế hoạch PTKTXH. Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu, ông Nguyễn Tuấn Anh tư cho biết Bộ đã chuẩn bị đề xuất hỗ trợ khi Đức yêu cầu gửi đề xuất.

Bà Nguyễn Thu Hằng, đại diện Bộ GTVT cho biết: Gần đây, dự án hỗ trợ chuyển đổi phát thải Cácbon thấp và tăng cường sức chống chịu với BĐKH cho khu vực Châu Á chuẩn bị được trình lên IKI. Nội dung dự án rất phù hợp với ưu tiên của Bộ trong thực hiện NDC, vì vậy, Bộ mong muốn IKI sẽ sớm phê duyệt để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các bước tiếp theo.

Đại diện Bộ Xây dựng, bà Lưu Linh Hương cho biết, Việt Nam rất cần hỗ trợ về quy hoạch và xây dựng những tòa nhà xanh, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, các hoạt động quản lý vật liệu toà nhà, quản lý rác thải.

Thay mặt phía Đức, ông Norbert Gorißen, Giám đốc Chương trình IKI đã ghi nhận các đề xuất của Việt Nam. Đồng thời nêu bật hỗ trợ của Đức trong các lĩnh vực thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải KNK thông qua các chương trình cụ thể. Ông đề nghị phía VN nghiên cứu, tiếp cận và sử dụng tốt các kênh hỗ trợ này. Hiện nay, Đức ưu tiên hỗ trợ các dự án lớn, hàng chục triệu Euro và có tính liên ngành, liên lĩnh vực; tránh các dự án nhỏ, lẻ. Mong muốn chính phủ VN nắm rõ ưu tiên này để phối hợp, xây dựng các dự án cho phù hợp. Đại diện phía Đức cũng bổ sung chi tiết tiêu chí, lĩnh vực ưu tiên để phía Việt Nam lựa chọn đề xuất cho phù hợp.

Tại buổi tiếp, hai bên cũng đã trao đổi thẳng thắn về vấn đề phát triển năng lượng tái tạo tại mỗi nước. Trong đó phía Đức nêu chính sách của Chính phủ mới đang chịu nhiều sức ép trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Phía Việt Nam xác định, để tăng 1%GDP cần phải tăng 1,5% tiêu thụ năng lượng. Mặc dù chính phủ VN ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, nhưng để đáp ứng tốc độ tăng trưởng năng lượng, trong điều kiện không phát triển điện hạt nhân và thuỷ điện đã tới hạn, thì sử dụng điện than vẫn là giải pháp cần quan tâm. Giáo sư Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cho UBQG về BĐKH (VPCC) đã nêu câu hỏi về giới hạn cần phải có của năng lượng tái tạo đối với mỗi Bên, đồng thời đề nghị phía Đức giúp Việt Nam xác định giới hạn này để Chính phủ có chính sách phù hợp trong cân bằng năng lượng tái tạo và năng lượng truyền thống.

Để thực hiện các hoạt động cụ thể tiếp theo, phía Đức giao đầu mối là Đại sứ quán Đức tại Hà Nội và Cố vấn trưởng của GIZ sẽ làm việc tiếp về đề xuất của Việt Nam.

 

Theo báo Tài Nguyên và Môi trường