Văn hóa, du lịch

Duy trì hoạt động du lịch ở những địa phương an toàn với dịch

Thứ năm, 12/8/2021 | 11:12 GMT+7
Nhiều tỉnh, thành trên cả nước hiện đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế đi lại để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số tỉnh đang kiểm soát tốt dịch đã và đang xây dựng những chiến lược, mô hình du lịch an toàn nhằm thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.

Là một trong những tỉnh không xuất hiện dịch bệnh trong 30 ngày qua, Quảng Ninh đã làm tốt công tác phòng, chống dịch và nhanh chóng đưa du lịch hoạt động trở lại, trước mắt phục vụ người dân trong tỉnh. Từ tháng 7 đến nay, nhiều điểm du lịch tại Quảng Ninh mở cửa đón khách như: huyện đảo Cô Tô mỗi tuần đón 3.000 - 5.000 khách, vịnh Hạ Long đón 200 - 300 khách/ngày. Nhiều cơ sở lưu trú thực hiện chính sách giảm giá 30 - 50%, thu hút người dân nghỉ dưỡng.

Cũng là một trong những địa phương bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, tỉnh Cao Bằng vẫn mở cửa các điểm du lịch, chủ yếu phục vụ người dân trên địa bàn. Trong khi nhiều tỉnh, thành phố khác sụt giảm về lượng khách thì trong nửa đầu của năm 2021, du lịch Cao Bằng vẫn tăng trưởng, đón khoảng 330.880 lượt khách, tăng 44,5%; doanh thu ước đạt 47 tỷ đồng, tăng 42,8% so với cùng kỳ.

Làng đá Khuổi Ky (Cao Bằng) tách biệt với cuộc sống phồn hoa đô thị là địa điểm được khách du lịch ưa thích trong thời kỳ giãn cách xã hội

Tỉnh Kiên Giang với kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho người dân sinh sống tại thành phố Phú Quốc đã thể hiện nỗ lực và quyết tâm trong công cuộc đưa ngành du lịch hoạt động trở lại, đón khách quốc tế. Bên cạnh tiêm phòng vaccine và chuẩn bị áp dụng hộ chiếu vaccine, tỉnh Kiên Giang cũng đã xây dựng nhiều kịch bản, chuẩn bị mọi điều kiện về lưu trú, điểm an toàn, sản phẩm du lịch để tạo tiền đề vững chắc nhất khi đón khách du lịch.

Bắc Ninh là tỉnh hiện không triển khai giãn cách, việc đi lại và các hoat động du lịch vẫn được triển khai. Hiện tỉnh có 14 điểm du lịch cấp tỉnh, trong đó hầu hết là các di tích lịch sử văn hóa giàu giá trị và đặc sắc. Những địa điểm trên hầu hết mang ý nghĩa tâm linh, đem lại giá trị tinh thần to lớn cho người dân trong thời kỳ dịch bệnh. Đây là thế mạnh để phát triển hoạt động du lịch, góp phần nâng cao tỷ lệ đóng góp vào cơ cấu kinh tế chung, xứng với tiềm năng về du lịch văn hóa của tỉnh.

Một số điểm di tích có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nổi bật như chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích phục vụ khách du lịch nội địa là học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu về tham quan, nghiên cứu tìm hiểu văn hóa. Các điểm di tích lịch sử như đền thờ Lý Thường Kiệt, khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đền thờ các vị vua thời Lý, Văn miếu Bắc Ninh… đón khách tham quan thường là cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên đến với mục đích giáo dục truyền thống cách mạng, khoa bảng, hiếu học, trọng hiền tài... Riêng làng Diềm với sự kết nối với các điểm du lịch khác như làng Đình Tổ, làng gốm Phù Lãng bước đầu phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, giới thiệu cho du khách những giá trị văn hóa đặc sắc của Di sản văn hóa Quan họ, nghề làm gốm, làm tương truyền thống.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định, đây là nỗ lực rất lớn của các địa phương trong việc bảo đảm thực hiện mục tiêu kép. Những “điểm sáng” trên sẽ giúp các đơn vị lữ hành có thể từng bước xây dựng sản phẩm, hướng du khách đến những điểm đến an toàn, duy trì hoạt động du lịch rồi dần mở rộng khi giãn cách xã hội dần được nới lỏng.

Kim Bảo (T/H)