EU hợp tác hỗ trợ Việt Nam giảm phát thải và thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ sáu, 18/2/2022 | 16:38 GMT+7
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans đã vừa gặp mặt và làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà.

Tại buổi làm việc, ông Frans Timmermans cho biết, Liên minh châu Âu (EU) rất ấn tượng với vai trò và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) cũng như lập trường của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (COP15). Đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ là nguồn cảm hứng cho các quốc gia đang phát triển khác học tập và là nơi mở ra nhiều tiềm năng hợp tác trong thời gian sắp tới về phát triển bền vững.

Trao đổi với Bộ trưởng Bộ TN&MT Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu mong muốn được lắng nghe những quan điểm, mục tiêu cũng như những khó khăn mà ngành TN&MT gặp phải nói riêng cũng như của Việt Nam nói chung về việc triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, tiến trình Cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, lộ trình xây dựng và phát triển thị trường carbon và COP15...

Nhân đây, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans khẳng định, EU sẽ đồng hành và hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu cam kết tại COP26.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 với sự tham gia của các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ. Hiện đã có nhiều đối tác phát triển cam kết hợp tác với Việt Nam triển khai thực hiện cam kết.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi với Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans về công tác bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Bên cạnh đó, Việt Nam đã luật hóa nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Chính phủ cũng đã ban hành các nghị định có liên quan về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone cũng như quy định về các biện pháp hành chính có liên quan, Bộ TN&MT đã ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết kèm theo.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ thực hiện một số hoạt động trọng tâm nhằm thực hiện kết quả đạt được tại Hội nghị COP26 như: tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu; điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, ít phát thải khí nhà kính và chống chịu tốt trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Trong nỗ lực đưa phát thải về “0” vào năm 2050, Việt Nam đã xem xét đề ra chính sách để loại bỏ năng lượng hóa thạch và thúc đẩy phát triển mạnh điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, điện gió trên đất liền; điều chỉnh lại các mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh; xây dựng lộ trình để nhanh chóng chuyển đổi phương tiện giao thông sang sử dụng điện. Bộ TN&MT sẽ chủ trì cập nhật NDC trong năm 2022 phù hợp với mục tiêu đã cam kết.

Về lộ trình xây dựng và phát triển thị trường carbon, Việt Nam hiện mới đang ở giai đoạn chuẩn bị điều kiện cần thiết để xây dựng. Mục tiêu đến năm 2028, Việt Nam sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ trong nước với thị trường khu vực và thế giới.

Với việc tham gia COP15 giai đoạn 2 cũng như đóng góp nội dung vào Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau 2020 (GBF), Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, về cơ bản, Việt Nam ủng hộ các nội dung của GBF và đề nghị tiếp tục có nghiên cứu, hoàn thiện hơn về một số vấn đề liên quan. Đáng lưu ý, Bộ trưởng đề nghị EU tham gia đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm để làm rõ lại khái niệm bảo tồn, từ đó thực hiện việc bảo tồn một cách hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển bền vững của từng quốc gia, từng địa phương, góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho người dân vùng bảo tồn. Để bảo tồn không chỉ góp phần giữ lại những giá trị sinh học mà mang lại những giá trị kinh tế, phục vụ cho phát triển. Đồng thời, việc bảo tồn cũng phải được thực hiện trong bối cảnh chung với ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, có như vậy mới có thể đạt được hiệu quả…

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất Ủy ban châu Âu và các quốc gia cộng đồng EU trong thời gian tới xem xét thúc đẩy một số hoạt động hỗ trợ Việt Nam, cụ thể trong hỗ trợ kỹ thuật giúp Việt Nam luật hóa các cam kết tại COP26; hợp tác triển khai các dự án chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi giao thông sạch, nhất là năng lượng mới như hydrogen xanh; hỗ trợ Việt Nam thành lập thị trường carbon trong nước kết nối với thị trường quốc tế; triển khai những dự án bảo tồn, trồng rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu; triển khai cam kết giảm phát thải khí metan…

Linh Giang (T/H)