EVN và doanh nghiệp Đan Mạch trao đổi về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch

Thứ tư, 14/9/2022 | 08:58 GMT+7
Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa làm việc với đại diện Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (Đan Mạch) để trao đổi về việc hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Mới đây, tại Hà Nội, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Trần Đình Nhân đã tiếp và làm việc với đoàn công tác của Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) do ông Robert Helms, thành viên kiêm Giám đốc Điện gió ngoài khơi tại Quỹ Thị trường mới (thuộc CIP) làm trưởng đoàn.

CIP là công ty quản lý quỹ chuyên đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Hiện nay, CIP đang quản lý 8 quỹ với tổng số vốn là 19 tỷ USD và đang phát triển hơn 38GW các dự án điện gió ngoài khơi tại Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Đức, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… CIP cũng đang tham gia nghiên cứu, phát triển các công nghệ năng lượng tái tạo mới như các giải pháp chuyển điện thành X (Power-to-X) bao gồm hydrogen xanh và amoniac xanh, tích trữ năng lượng, đảo năng lượng, truyền tải điện...

Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm việc với đoàn công tác CIP

Tại buổi làm việc, ông Robert Helms, thành viên kiêm Giám đốc Điện gió ngoài khơi tại Quỹ Thị trường mới (CIP) trao đổi các đề xuất với Tổng giám đốc EVN về khả năng hợp tác trong phát triển một số dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn, khả năng tham gia phát triển lưới điện truyền tải…

Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN cho biết, EVN quan tâm việc phát triển điện gió ngoài khơi, đặc biệt là tại phía Bắc do tình hình thiếu điện tại khu vực này. Xu thế phát triển nguồn điện gió cũng được thể hiện trong dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương trình Chính phủ phê duyệt. Công suất điện gió ngoài khơi dự kiến đến 2030 sẽ khoảng 7.000 MW, đến 2035 là 16.000 MW. 

Tuy nhiên, việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi có quy mô lớn không phải dễ dàng, do cần phải đảm bảo yêu cầu cao về kỹ thuật, an ninh, tài chính, đòi hỏi kinh nghiệm khảo sát, thiết kế, xây dựng, vận hành...

Theo ông Trần Đình Nhân, EVN có thể hợp tác với CIP và các tổ chức/doanh nghiệp có tiềm năng trong trường hợp EVN được giao là chủ đầu tư dự án và có các đối tác là tổ chức thu xếp tài chính, nhà thầu tham gia cung cấp dịch vụ… Từ đó, phát huy được thế mạnh của các bên, góp phần phát triển thị trường năng lượng tại Việt Nam.

Đình Tú (t/h)