Chương trình FFF được FAO thực hiện tại tỉnh Bắc Kạn theo 3 giai đoạn: giai đoạn 1 (2014 - 2017) thực hiện tại xã Chu Hương, Mỹ Phương (huyện Ba Bể); giai đoạn 2 (2018 - 2022) tại 3 xã Phương Viên của huyện Chợ Đồn và xã Mỹ Phương, Yến Dương thuộc huyện Ba Bể; giai đoạn 3 (2023 - 2025) tại 5 xã thuộc các huyện Ba Bể, Chợ Mới, Chợ Đồn.
Chương trình hướng đến mục tiêu cải thiện năng lực quản trị và thúc đẩy cơ chế, chính sách liên quan đến các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác thông qua diễn đàn đa ngành; tăng khả năng kinh doanh, tiếp cận thị trường, tài chính của các HTX, tổ hợp tác thông qua dịch vụ phát triển kinh doanh và chuỗi giá trị công bằng; giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc nâng cao nhận thức về môi trường, sự tham gia trực tiếp của các HTX, tổ hợp tác với biện pháp sinh kế tổng hợp.
Mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, phát triển kinh tế dưới tán rừng
Sau nhiều năm triển khai chương trình tại tỉnh Bắc Kạn, các HTX, tổ hợp tác địa phương đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, tạo sự thay đổi rõ nét về tư duy, đặc biệt là các mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng. Chương trình cũng góp phần gắn kết người dân phát triển kinh tế rừng và trang trại theo hướng canh tác thân thiện với môi trường.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam đánh giá cao các HTX trên địa bàn đã xây dựng được vùng nguyên liệu trồng theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường, các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng có hiệu quả cao.
Ông Rémi Nono Womdim đề nghị tỉnh Bắc Kạn tiếp tục có chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp bền vững, gắn phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm để tạo thu nhập cho người dân. Lồng ghép hiệu quả chương trình, dự án hỗ trợ để các HTX, tổ hợp tác phát huy tốt nhất lợi thế, tạo ra những sản phẩm nông, lâm sản, du lịch có khả năng cạnh tranh, mang bản sắc địa phương.
Thời gian tới, FAO sẽ tiếp tục thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác tại Bắc Kạn để phát triển nông, lâm nghiệp; trong đó chú trọng hỗ trợ những mô hình sản xuất nông nghiệp sạch gắn với phát triển du lịch trải nghiệm. FAO thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó có tập trung phát triển bền vững ngành nông nghiệp, chuyển đổi bền vững hướng tới thích ứng với biến đổi khí hậu, để đạt được mục tiêu “sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn cho người nông dân, không ai bị bỏ lại phía sau”.