Gắn đảm bảo an ninh lương thực với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái

Thứ tư, 26/4/2023 | 11:34 GMT+7
Trong khuôn khổ Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực, thực phẩm (LTTP) bền vững, tại phiên làm việc thứ 2, các chuyên gia quốc tế đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ sự đa dạng cây trồng, vật nuôi gắn với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, từ đó đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia.

Cụ thể, tại phiên làm việc, đại diện các quốc gia, các tổ chức quốc tế đã cùng thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến đóng góp nhằm thúc đẩy hệ thống LTTP phát triển bền vững.

Theo ông Jamie Morrison, cố vấn cấp cao Liên minh Toàn cầu về cải thiện chế độ dinh dưỡng (GAIN), tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, tốc độ tăng trưởng liên tục của ngành nông nghiệp trong những thập niên gần đây với chiến lược thâm canh cao đã đem lại năng xuất và sản lượng đáng kể cho nền kinh tế, nhưng lại gây ra những tác động tiêu cực đối với môi trường.

Ông David Cooper, quyền Thư ký điều hành, Ban Thư ký Các công ước về đa dạng sinh học (CBD) cũng nhận định, chúng ta đang có hệ thống LTTP dựa trên rất nhiều yếu tố đầu vào như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… nên dẫn tới việc tiêu dùng không bền vững, làm tổn thất về thực phẩm, phát sinh những vấn đề liên quan tới đa dạng sinh học. Do đó, chúng ta phải giải quyết các yếu tố này để chuyển đổi hệ thống LTTP một cách bền vững.

Để quản lý hệ thống LTTP bền vững đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ như thay đổi phương pháp sử dụng đất, hạn chế khai thác thủy sản quá mức, ngăn ngừa ô nhiễm, thích ứng với biến đổi khí hậu... Trong cách thức quản lý thực phẩm, yếu tố đa dạng sinh học đóng vai trò rất quan trọng, nhất là sự đa dạng về các loại cây trồng, vật nuôi. Chúng giúp ích rất lớn trong việc đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cho con người. Bên cạnh đó, hệ thống thực phẩm thường có tính kết nối thành chuỗi từ sản xuất tới tiêu thụ nên cần có biện pháp cụ thể để hướng tới mục tiêu duy trì, bảo tổn, phục hồi đa dạng sinh học, đặc biệt là đa dạng gene. Sự đa dạng giống cây trồng cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm thất thoát chất dinh dưỡng.

Bảo vệ sự đa dạng cây trồng, vật nuôi gắn với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái

Về vấn đề này, chuyên gia nông nghiệp Australia Su McCluskey đã chia sẻ kinh nghiệm của Australia. Theo đó, Australia đề ra một khung phát triển bền vững để định hướng cho nền sản xuất nông nghiệp và thực hiện mô hình nghiên cứu kết hợp với nguồn tài trợ của Chính phủ. Hàng năm, sẽ có chiến lược về đất đai để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho sản xuất; có kế hoạch cải tạo các loại đất cũ, đất không đủ chất lượng… để đảm bảo cây trồng khỏe, cho sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Bên cạnh đó, Australia còn nỗ lực giảm phát thải khí metan trong ngành chăn nuôi, giảm phát thải khí nhà kính, bổ sung thêm tảo biển vào thức ăn chăn nuôi, có chiến lược giảm thiểu rác thải của người tiêu dùng và trong toàn bộ chuỗi cung ứng, thành lập Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp ngoài biên giới nhằm đưa ra các giải pháp liên quan tới đảm bảo đa dạng sinh học trong nước.

Đánh giá về nền nông nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Thụy Sỹ Christian Hofer cho biết, Chính phủ Việt Nam cần xây dựng Chiến lược chuyển đổi hệ thống LTTP mang tính bao trùm và có sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan. Trong đó, yếu tố quan trọng là Chính phủ phải đưa ra chính sách hỗ trợ để bảo tồn đa dạng sinh học.

Ông Christian Hofer chia sẻ, trước đây, nông dân Thụy Sỹ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và chưa thực sự quan tâm tới môi trường. Nhưng hiện tại, điều này đã được thay đổi bởi nông dân đã ý thức được rằng không chỉ sản xuất LTTP mà phải chịu trách nhiệm cho việc bảo vệ tự nhiên, đa dạng sinh học tại khu vực sản xuất.

Theo Đại sứ Gabriel Ferrero, Chủ tịch Ủy ban an ninh lương thực thế giới, việc thay đổi quản trị hệ thống LTTP cần thực hiện cấp bách với sự tham gia của các bên liên quan. Sự chuyển đổi này phụ thuộc vào hệ thống chính sách và ý chí chính trị của mỗi quốc gia. Ở cấp độ quốc tế, để cải thiện hệ thống LTTP cần sự chỉ đạo của các tổ chức quốc tế, sự hiệp lực của các ngành y tế, thương mại, nông nghiệp, tài chính… và cần một cơ quan đứng ra dẫn dắt từ góc độ toàn cầu.

Về quyền tiếp cận thực phẩm, cần đặt con người là trung tâm, sau đó cải thiện hệ thống chính sách pháp luật; xây dựng hệ thống thực phẩm phù hợp, tạo ra những khẩu phần ăn lành mạnh, bảo vệ được hệ sinh thái, môi trường.

Theo baotainguyenmoitruong.vn