TPHCM vận động người dân không xả rác, bảo vệ môi trường

Thứ sáu, 11/11/2022 | 08:18 GMT+7
Mới đây, UBND TPHCM đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường” giai đoạn 2022 - 2025.

Theo kế hoạch, thành phố phấn đấu đến năm 2025, 100% phương tiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được chuyển đổi, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng vệ sinh và bảo vệ môi trường theo quy định; 100% trạm trung chuyển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành và quy hoạch xử lý chất thải rắn TPHCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80%. 100% khu phố, ấp sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch. Tiểu thương tại các chợ dân sinh giảm 70% sử dụng túi nilon khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng. Đặc biệt, TPHCM phấn đấu đến năm 2025, 100% phường, xã, thị trấn đạt tiêu chí “Phường - xã - thị trấn sạch, xanh và thân thiện môi trường”.

TPHCM phấn đấu vận động người dân thu gom chất thải rắn sinh hoạt, không vứt rác ra môi trường

Kế hoạch nêu rõ, để đạt được các mục tiêu trên, TPHCM sẽ thường xuyên rà soát, giải quyết các điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải, duy trì chất lượng vệ sinh tại các khu vực đã cải tạo và không để phát sinh điểm ô nhiễm mới; quy định trách nhiệm của UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đối với tình trạng phát sinh rác thải bừa bãi trên đường.

Thành phố cũng sẽ tăng cường công tác xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường. Trong đó, triển khai việc sử dụng hình ảnh trích xuất camera tại các khu dân cư, thực hiện xử lý vi phạm vệ sinh môi trường bằng các hình thức từ nhắc nhở trực tiếp, nhắc nhở thông qua tổ dân phố đến hình thức phạt tiền thông qua hình ảnh ghi nhận được.

Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch”, thành phố sẽ đẩy mạnh và duy trì thường xuyên công tác đối thoại, tuyên truyền, vận động nhân dân, người lao động, tổ chức, doanh nghiệp tham gia bảo vệ môi trường tại địa phương, cơ quan, đơn vị với nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Đồng thời, tiếp tục duy trì triển khai và phát triển phần mềm quản lý trực tuyến để tiếp nhận và xử lý ý kiến, phản ánh của người dân về tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch, các điểm gây ô nhiễm môi trường, hành vi vi phạm về môi trường nhanh chóng, kịp thời; giải quyết triệt để các phản ánh của người dân về vệ sinh môi trường và trật tự đô thị theo thẩm quyền.

Tổ chức tuyên truyền, vận động đến tất cả người dân, hộ gia đình, tiểu thương tại các chợ dân sinh, chủ nguồn thải giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy, tăng cường sử dụng nguyên vật liệu, sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường, khuyến khích sử dụng bao bì, túi sử dụng nhiều lần.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, năm 2022 đánh dấu cột mốc quan trọng đối với công tác bảo vệ môi trường khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực. Một trong những điểm mới quan trọng của Luật là phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong các hoạt động bảo vệ môi trường; bổ sung “cộng đồng dân cư” vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Từ đó, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường.

Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và cơ quan MTTQ các cấp của TPHCM đã phối hợp đã triển khai nhiều hoạt động, công trình dựa vào cộng đồng tại địa phương và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Ngọc Mai