Giảm tốc độ phương tiện giúp giao thông bền vững và bảo vệ môi trường

Thứ năm, 9/9/2021 | 23:37 GMT+7
Theo công bố mới nhất của Tổ chức An toàn giao thông toàn cầu (GRSF), Ngân hàng Thế giới, việc giảm tốc độ các phương tiện tham gia giao thông đường bộ đã và đang mang lại hiệu quả tích cực không chỉ trong việc cải thiện an toàn giao thông đường bộ, bảo toàn tính mạng mà còn có nhiều lợi ích khác như thúc đẩy các hình thức giao thông bền vững, tăng hiệu suất sử dụng và thúc đẩy sự hòa nhập xã hội.

Cụ thể, báo cáo “Tai nạn giao thông đường bộ, Biến đổi khí hậu, Ô nhiễm môi trường và Tổng chi phí của tốc độ: Sáu biểu đồ nói lên tất cả” của GRSF đã làm sáng tỏ những hiểu lầm phổ biến về tác động của tốc độ đối với an toàn giao thông đường bộ, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường cũng như chi phí đi lại.

Báo cáo nhấn mạnh, giảm tốc là một trong những cách hiệu quả nhất giúp cải thiện an toàn đường bộ. Nếu tốc độ phương tiện tăng lên 1% thì số người chết vì tai nạn giao thông tương ứng tăng từ 3,5 - 4%.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, việc áp dụng các giới hạn tốc độ thấp hơn sẽ tối ưu hơn về mặt kinh tế. Theo đó, các phân tích ủng hộ việc cho phép tốc độ cao thường chỉ tập trung vào lợi ích của việc tiết kiệm thời gian di chuyển mà bỏ qua các chi phí kinh tế khác phát sinh từ va chạm giao thông, khí thải, nhiên liệu và bảo dưỡng phương tiện.

Giảm tốc giúp tham gia giao thông an toàn và tiết kiệm nhiên liệu

Thống kê của Cục Cảnh sát giao thông Việt Nam cho thấy, 6 tháng đầu năm 2021, trên cả nước đã xảy ra 6.340 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.192 người, bị thương 4.475 người. Nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông chủ yếu là chạy quá tốc độ quy định, tránh, vượt sai quy định, không đi đúng phần đường, làn đường…

Năm 2018, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Việt Nam ghi nhận 18.700 vụ tai nạn giao thông, làm 8.200 người chết và 14.800 người khác bị thương. 82% những người thiệt mạng hoặc bị thương đều thuộc nhóm từ 15 - 64 tuổi, đây là độ tuổi lao động chính trong xã hội, góp phần gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và anh sinh xã hội.

Từ số liệu trên, ông Rahul Kitchlu, quyền Giám đốc quốc gia về Việt Nam của Ngân hàng Thế giới đề xuất: Việt Nam đang rất cần các biện pháp can thiệp có trọng tâm và dựa trên thực tiễn để cải thiện an toàn giao thông đường bộ. Chúng tôi hy vọng các nhà hoạch định chính sách có thể sử dụng báo cáo này làm cơ sở xây dựng các biện pháp có hiệu quả, đặc biệt trong khi Việt Nam đang cập nhật Kế hoạch Hành động thực hiện chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Báo cáo nêu rõ, thay vì dựa vào việc thực thi đơn lẻ, sự kết hợp tổng hòa của các chính sách về phương tiện, thiết kế đường bộ và giải pháp kỹ thuật sẽ cho phép đưa ra giải pháp kiểm soát tốc độ hiệu quả, bền vững và khả thi hơn.

Mặt khác, việc giảm tốc giúp giảm tác động đến môi trường, khí hậu khi giảm nhiên liệu và không cần bảo dưỡng phương tiện thường xuyên, cải thiện sự hòa nhập xã hội và mức độ thân thiện với người đi bộ của hệ thống giao thông.   

Lam An