Môi trường (old)

Góp sức bảo vệ môi trường

Thứ sáu, 1/12/2017 | 11:24 GMT+7
Mô hình “Các tổ chức tôn giáo chung tay bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” đã được các cấp Mặt trận trên địa bàn thành phố Hà Nội triển khai sâu rộng. Tính đến nay, toàn thành phố đã có 584 đơn vị xã, phường, thị trấn, 5.136 Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư tổ chức ký cam kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đến từng hộ gia đình cũng như tại các cơ sở thờ tự của các tôn giáo.

Ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội ngày một gia tăng, các bãi chôn lấp rác thải thành phố sắp đầy, lượng rác thải tồn đọng khu vực nông thôn còn nhiều…Trong khi quá trình đô thị hóa diễn ra ngày một mạnh mẽ, đặc biệt là ô nhiễm bụi và tiếng ồn. Trước thực trạng đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp để huy động nhân dân cũng như các tổ chức tôn giáo cùng chung tay bảo vệ môi trường. Qua quá trình thực hiện, nhiều mô hình mới, cách làm hay đã ra đời. 

Bà Nguyễn Thị Nhài, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam  quận Hoàng Mai cho biết, môi trường và biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam  quận đã đặc biệt quan tâm đến vai trò của các chức sắc và tín đồ các tôn giáo đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Sau khi nhận được kế hoạch hoạt động của thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam  quận đã xây dựng và tổ chức hội nghị ký kết kế hoạch phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam  quận, phòng Tài nguyên và Môi trường với các tôn giáo đóng trên địa bàn. Việc này cũng được Mặt trận quận triển khai tới 14 phường, đồng thời hướng dẫn các KDC ký cam kết với các cơ sở thờ tự để bảo vệ môi trường. 

“Qua một năm triển khai, đa số bà con giáo dân, các tín đồ và nhân dân tại các KDC đã bước đầu ý thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn mình sinh sống. Trong đó, nổi bật là Ban CTMT KDC số 5 phường Giáp Bát đã vận động nhân dân thực hiện phong trào “Nói không với túi nilong trong ngày chủ nhật” hay nhân dân phường Thịnh Liệt, bà con đã vận động nhau trồng hoa tại các bồn cây, dọc tuyến đường sông Sét để làm đẹp mĩ quan đô thị”, bà con họ giáo cũng tích cực triển khai việc này. Tiêu biểu như họ giáo Khuyến Lương, bà con nhân dân trong KDC đã cùng nhau bảo vệ đường làng, ngõ phố xanh- sạch – đẹp. Việc làm này đang được nhân rộng trên toàn quận Hoàng Mai”, bà Nhài khẳng định. 

Hay như mô hình xây dựng nông thôn mới thân thiện với môi trường đang được triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh đã cho thấy bước đi đúng đắn trong chỉ đạo và thực hiện của chính quyền địa phương. Ông Lê Đình Khoát, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam  huyện Mê Linh cho rằng, Mê Linh có diện tích trồng rau lớn nhất thành phố và có nhiệm vụ cung cấp rau sạch để bán cho người dân trên địa bàn Thủ đô. Mặc dù địa phương đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn nhưng việc sản xuất vẫn theo tập quán cũ, dựa vào kinh nghiệm là chính; trong khi nhận thức và tính tự giác của một bộ phận nông dân trong sản xuất cây trồng theo hướng VietGap còn hạn chế. 

Để góp phần nâng cao nhận thức người dân, UBMTTQ huyện Mê Linh đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chủ động thay đổi tập quán sản xuất và có trách nhiệm với sản phẩm mà mình làm ra. Tiêu biểu như mô hình trồng rau an toàn tại các xã Tráng Việt, Tiến Thắng, Tiền Phong đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, ổn định hơn, tiêu thụ sản phẩm tốt hơn cho người dân.

Không dừng lại ở đó, bà con nông dân xã Tráng Việt còn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật bẫy bả Protein phòng trừ ruồi đục quả trên cây bí xanh tại HTX rau sạch Đông Cao trên diện tích 2ha đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương pháp phòng trừ sâu bệnh truyền thống. Việc làm này giúp giảm 5 lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong một vụ, góp phần cân bằng sinh thái và tạo ra sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường. 

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam  thành phố Hà Nội, chương trình phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Sau hơn một năm thực hiện với sự phối hợp tích cực của chính quyền, MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn đa số bà con giáo dân, các tín đồ và nhân dân tại các mô hình và các KDC đã bước đầu ý thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường. 

Tại các KDC, các cơ sở thờ tự, các hộ gia đình cũng đã có nhiều hoạt động cụ thể để bảo vệ môi trường như chống ô nhiễm rác thải; tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước; tiết kiệm năng lượng điện. Tại các cơ sở thờ tự, vào ngày rằm, mùng một hàng tháng hay các ngày lễ trọng nhân dân đã tự giác không thắp hương tràn lan, bừa bãi và đốt vàng mã đúng nơi quy định…

“Trong năm 2018, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức cho chức sắc tôn giáo, cán bộ MTTQ, tín đồ tôn giáo và các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; tiếp tục nhân rộng mô hình điểm trên địa bàn thành phố”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo báo Đại Đoàn kết