Văn hóa, du lịch

Hà Nội đón mùa lễ hội xuân 2023

Thứ hai, 30/1/2023 | 16:00 GMT+7
Trong không khí vui tươi cả nước đón chào mùa xuân mới, với hơn 1.000 lễ hội lớn nhỏ, Hà Nội đang thu hút lượng lớn khách thập phương đến tham quan, chiêm bái.

Các điểm di tích đông nghịt khách tham quan, chiêm bái

Dù thời tiết giá lạnh nhưng trong những ngày khai hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) vẫn có hàng chục nghìn người nô nức tham quan, chiêm bái.

Với đặc điểm là lễ hội dài nhất miền Bắc, kéo dài tới 3 tháng (từ ngày 23/1 đến hết ngày 23/4), lễ hội chùa Hương là một trong những sự kiện quan trọng của thành phố Hà Nội, phục vụ nhu cầu đi lễ đầu năm của đông đảo người dân và du khách thập phương.

Chỉ trong ngày khai hội chùa Hương (mùng 6 tháng Giêng), Ban quản lý di tích đã phải huy động 3.000 phương tiện để đáp ứng đủ nhu cầu trẩy hội của nhân dân và du khách.

Người dân nô nức sắm sửa đồ lễ dâng hương với lòng thành kính, ước mong một năm đủ đầy và sung túc tại chùa Thiên Trù, động Hương Tích, động Hinh Bồng.

Bên cạnh hoạt động dâng hương, lễ phật, người dân còn ngắm cảnh, thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên sông núi tâm linh của danh thắng quốc gia nổi tiếng. Được biết, chỉ trong tuần đầu tiên của năm mới Quý Mão 2023, di tích lịch sử chùa Hương đã đón tiếp hơn 100.000 lượt khách đến tham quan.

Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội) là nơi thờ thánh mẫu Liễu Hạnh. Theo truyền thuyết, phủ được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII. Đây là di tích quốc gia và là nơi linh thiêng, được nhiều người dân đến thắp hương, cầu khấn mỗi dịp đầu tháng Âm lịch và ngày rằm, đặc biệt trong dịp đầu xuân năm mới.

Cũng như các năm trước, từ đầu năm Quý Mão, hàng nghìn người dân đã đổ về Phủ để cúng lễ và cầu tài lộc. Năm nay, người dân phải chen chân, xếp hàng để vào Phủ.

Thời tiết nắng đẹp cũng tạo điều kiện thuận lợi để người dân thắp hương, cầu phúc, sau đó, phóng sinh và hóa sớ để cầu cho một năm bình an, tài lộc. Tuy nhiên, dòng người đổ về Phủ quá đông khiến nhiều tuyến đường khu vực xung quanh bị ùn tắc.

Bia Bà được đặt ở đền Đức Thánh Bà trong đình La Khê (quận Hà Đông, Hà Nội), được xây dựng từ đầu thế kỷ XVII và được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1989.

Sự linh thiêng của ngôi đình cổ được truyền tụng nhau qua các câu chuyện dân gian khiến cho Bia Bà ngày càng nổi tiếng. Vì vậy, ngoài nhân dân địa phương, di tích còn tiếp đón hàng nghìn khách thập phương đến hành hương để chiêm bái ngôi đình cổ. Rất nhiều khách thập phương đến dâng lễ cầu lộc tại đây, đặc biệt vào các dịp Tết và hội làng La Khê được tổ chức từ ngày 14 đến 16 tháng Giêng Âm lịch.

Khắc phục những hạn chế trong công tác tổ chức lễ hội

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các Sở, ngành UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế trong công tác tổ chức lễ hội, đảm bảo an toàn, lành mạnh cho người dân.

Theo đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội có trách nhiệm chủ trì xây dựng các kế hoạch cụ thể quản lý và tổ chức lễ hội năm 2023; hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố trong việc triển khai, thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Trong đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm (lợi dụng di tích lễ hội để trục lợi, lưu hành kinh doanh văn hóa phẩm trái phép); không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc; không để diễn ra tình trạng tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong, mỹ tục, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tự giác, chấp hành pháp luật của người dân nhằm thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế; cảnh báo người dân không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống.

Công an thành phố Hà Nội thực hiện nghiêm túc chỉ đạo rà soát, đánh giá các điểm, vị trí, điểm nút giao thông gây mất an toàn, có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao. Tăng cường quản lý an toàn đường thủy tại bến khách ngang sông, các điểm du lịch, lễ hội; kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến trái phép, phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn toàn, chở quá số người quy định, du khách không mặc áo phao theo quy định.

Đảm bảo về an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân dân và du khách; có phương án tổ chức, bố trí khu dịch vụ đảm bảo thuận lợi, phù hợp với không gian tổ chức lễ hội; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, đảm bảo thực hiện đúng các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Thanh Bảo