Văn hóa, du lịch

Các nước châu Á tưng bừng đón Tết Âm lịch

Thứ hai, 23/1/2023 | 01:49 GMT+7
Giống với Việt Nam, các quốc gia châu Á như Maylaysia, Singapore, Philippines, Indonesia, Lào… cũng đón Tết Âm lịch. Tuy nhiên, Tết ở các nước trong khu vực tương đối đa dạng và khác biệt bởi đặc điểm đa dân tộc, tôn giáo và văn hóa.

Mỗi quốc gia đều có quan niệm riêng về Tết nhưng đều coi dịp này là thời khắc thiêng liêng, quan trọng nhất của một năm. Tại một số quốc gia, Tết gắn liền với thời khắc giao thoa năm cũ sang năm mới, cũng là khoảng thời gian chuyển mùa từ mùa khô sang mùa mưa, hoặc gắn liền với một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển tôn giáo chính của quốc gia.

Được biết, cùng với Việt Nam, “quốc đảo sư tử" Singapore cùng đón Tết Nguyên đán theo Âm lịch. Là một quốc gia đa sắc tộc, phần lớn là người gốc Hoa, Singapore đón Tết trong không khí nhộn nhịp với hàng loạt lễ hội mang đậm phong cách phương Tây xen lẫn nét văn hóa truyền thống của người Trung Quốc. Cụ thể, trong những ngày Tết, người dân sẽ thăm viếng, chúc Tết và đi chùa cầu may. Ngoài ra, các hoạt động vui chơi đặc sắc như múa lân, múa rồng; hoạt động lễ hội lớn như Lễ hội hoa đăng, Lễ hội River Hongbao, Lễ hội đường phố Chingay cũng được diễn ra. Các hoạt động độc đáo này đã thu hút rất đông du khách và người dân địa phương cùng tham gia diễu hành trên đường phố, góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa các sắc tộc trong nước và với các cộng đồng dân tộc trên toàn thế giới.

Quốc đảo sư tử Singapore đón Tết Nguyên đán 2023

Tại Trung Quốc, các hoạt động chuẩn bị cho chương trình gala Lễ hội mùa xuân 2023 đã được hoàn tất. Sự kiện gồm nhiều tiết mục kịch, xiếc, ca hát, ảo thuật và võ thuật… kết hợp với công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, công nghệ 4K/8K để mang đến những màn trình diễn ấn tượng cho khán giả.

Tại Malaysia, Tết Nguyên đán được xem là kỳ nghỉ lễ chính, nhiều địa danh tín ngưỡng tâm linh - có nhiều người gốc Hoa sinh sống - đã được thắp sáng và trang trí lộng lẫy để đón du khách đến cầu nguyện nhân dịp đầu xuân.

Tại Indonesia, người dân cũng tổ chức đón Tết Nguyên đán sôi động tại khu phố Chinatown với những tín hiệu của mùa xuân như đèn lồng đỏ, hoa đào. Bên cạnh đó, các đoàn múa lân cũng được chuẩn bị cho lễ hội lớn.

Mặt khác, người Lào lại đón Tết theo một quan niệm riêng. Lễ hội đón năm mới có tên là Bunpimay, còn gọi là Tết "Buộc chỉ cổ tay" hay Lễ hội "Hốt Nậm", với ý nghĩa là "Té nước, cầu mong nước về, cho cuộc sống sinh sôi, đâm chồi, nảy lộc". Trong ngày Tết, Lào thường có tục biếu vải, biếu khăn cho người già; đến chùa cầu nguyện vào ban ngày; tập trung ở chùa để vui chơi, biểu diễn âm nhạc truyền thống (morlam) và múa lam vông. Người dân Lào cũng thường sử dụng hoa trong ngày Tết để cầu may như hoa muồng được cài trên xe, hoa Champa trang trí trong nhà để cầu mong phước lành. Một món ăn điển hình trong dịp Tết cổ truyền Lào chính là món "lạp" (lộc). Theo quan niệm của người Lào, nếu món lạp mà không ngon trong ngày Tết thì cả năm mới làm ăn có nhiều điềm xui, không suôn sẻ.

Tết Bunpimay của người Lào

Về Philippines, quốc gia được cho là có truyền thống đón Tết Âm lịch muộn nhất trong lịch sử văn hóa châu Á (năm 2012). Trong những ngày Tết, người dân Philippines thường đi chùa, nhà thờ, cầu cho một năm may mắn, an lành, thịnh vượng. Hoạt động đón mừng năm mới của người dân Philippines luôn có các màn múa lân, múa rồng; ẩm thực trong ngày Tết của người Philippines là món bánh gạo ngọt (Tikoy).

Phương An (T/H)