Trong nước

Hà Nội kết nối phát triển du lịch, thương mại cùng các tỉnh miền Trung

Chủ nhật, 9/7/2023 | 15:19 GMT+7
Mới đây, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị “Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội và các tỉnh miền Trung kết nối cùng phát triển" (Link to Grow) tại tỉnh Quảng Bình.

Hội nghị nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm; kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, góp phần nâng cao nhận thức, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam", đẩy mạnh các chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền Trung.

Đây là cơ hội để các đơn vị gặp trực tiếp bộ phận mua hàng của các nhà phân phối, giới thiệu, chào hàng, nắm bắt tiêu chí, điều kiện để đưa hàng vào hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố Hà Nội, qua đó đẩy mạnh phân phối các sản phẩm đạt yêu cầu, hướng tới ký kết thỏa thuận hợp tác, liên kết, biên bản ghi nhớ...

Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến tháng 6/2023, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội ước đạt 220,1 nghìn tỷ đồng, đạt 62,4% dự toán pháp lệnh năm; tổng sản phẩm (GRDP) ước tính tăng 5,97% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,95%; quý II tăng 5,98%). Toàn thành phố thu hút được 2265 triệu USD vốn FDI (dẫn đầu cả nước); mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 369.000 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước; khách du lịch đến Hà Nội quý II/2023 ước đạt 1,2 triệu lượt người, tăng 12,4% so với quý trước và gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm 2022. Tính chung 6 tháng đầu năm, khách du lịch đến Hà Nội gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước.

Hà Nội phát triển du lịch, xúc tiến đầu tư thương mại cùng các tỉnh miền Trung

Trong nhiều năm qua, hạ tầng thương mại của thành phố Hà Nội cũng được phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều hệ thống phân phối lớn của các nước (AEON, LOTTE, MM Mega Market; FUJIMART…) và các doanh nghiệp phân phối hàng đầu của cả nước (Winmart, Co-op Mart…) với 28 trung tâm thương mại, 132 siêu thị, 453 chợ truyền thống, trên 2.000 cửa hàng tiện ích; 1.872 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn; 164 chuỗi kinh doanh an toàn kết nối với 12 tỉnh, thành phố phía Bắc; trên 60 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, 600 website thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử...

Các hệ thống phân phối có vai trò và sức ảnh hưởng lớn trong việc kết nối, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa của các tỉnh, thành phố trong cả nước, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô và xuất khẩu trực tiếp sang nước ngoài.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố đã trưng bày, giới thiệu sản phẩm hàng hóa và tham gia những hoạt động kết nối. Trong đó, thành phố Hà Nội và các tỉnh Bắc Trung Bộ (đặc biệt là tỉnh Quảng Bình) đã cùng các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm Việt Nam tại thị trường Hà Nội nói riêng và thị trường trong nước, xuất khẩu nước ngoài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương; tăng cường quan hệ hợp tác, gắn bó giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước kết nối cùng phát triển.

Lam An