Hà Nội có tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp văn hóa, nhất là từ vị trí, vai trò trung tâm văn hóa lớn của cả nước. Qua thống kê, Thủ đô có nhiều giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử hàng nghìn năm; là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng nền văn hóa, văn minh của dân tộc với 5.922 di tích, 1 di sản văn hóa thế giới, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 3 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 di sản tư liệu thế giới, 26 di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Mặt khác, Hà Nội còn là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước, là một trong số ít Thủ đô trên thế giới có tới 1.350 làng nghề, trong đó có những làng nghề trên 1.000 năm tuổi. Đặc biệt, năm 2019, Hà Nội chính thức là một trong số những “Thành phố sáng tạo” của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO).
Hà Nội có tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp văn hóa
Phát biểu giải trình tại Hội nghị lần thứ VI, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII ngày 1/12, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết nhằm phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ phù hợp với xu thế chung của thế giới mà còn giúp gắn kết văn hóa với kinh tế; bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống sẵn có, bảo đảm an sinh xã hội; hiện thực hóa chuyển đổi số và ứng dụng những thành tựu mới nhất từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường giới thiệu quảng bá, xuất khẩu sản phẩm văn hóa...
Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, có 12 ngành liên quan đến công nghiệp văn hóa bao gồm: quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, điện ảnh, thời trang, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình, phát thanh... Qua điều tra khảo sát, tạm tính năm 2018, các ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội đóng góp giá trị khoảng 1,49 tỷ USD, tương đương 3,7% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).
Trong khi, cứ đóng góp 1% GRDP thì tương đương với 0,5% lực lượng lao động nên phát triển công nghiệp văn hóa sẽ mở ra nhiều triển vọng trong phát triển Thủ đô. Mặc dù có 12 ngành liên quan đến công nghiệp văn hóa, nhưng thành phố chỉ tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào 6 ngành, lĩnh vực có tiềm năng lớn để trở thành kinh tế mũi nhọn là: du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, phần mềm và trò chơi giải trí, thiết kế sáng tạo, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ.
Đại diện ban lãnh đạo thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, trong thời gian tới, khi Nghị quyết của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa được ban hành, thành phố sẽ coi đây là cơ sở, định hướng quan trọng để triển khai trên địa bàn. Cụ thể, các cấp, các ngành xây dựng chương trình, kế hoạch tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế về truyền thống văn hóa, lịch sử ngàn năm văn hiến, anh hùng của Thủ đô Hà Nội để từng bước phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sự phát triển rõ rệt cả về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP của thành phố, sớm đạt được mục tiêu Hà Nội trở thành 1 trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước; tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng thúc đẩy Thủ đô phát triển xanh và bền vững.