Văn hóa, du lịch

Ban hành Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030

Thứ tư, 1/12/2021 | 11:10 GMT+7
Ngày 30/11, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2013/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030.

Công tác ngoại giao văn hóa là sử dụng công cụ văn hóa trong ngoại giao nhằm đưa quan hệ Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài, biến điều kiện thuận lợi, vị thế đất nước thành nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời dùng các biện pháp ngoại giao để tôn vinh các giá trị, vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế đất nước.

Theo Quyết định, Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 nhằm mục tiêu thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ, lòng tin giữa Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức khu vực và quốc tế. Đặt mục tiêu đến năm 2030, tổ chức các hoạt động ngoại giao văn hóa có quy mô lớn, các hoạt động trong khuôn khổ Tuần/Ngày Việt Nam, Tuần/Ngày Văn hóa Việt Nam tại các nước có quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, láng giềng hữu nghị truyền thống với Việt Nam.

Tổ chức các hoạt động ngoại giao văn hóa có quy mô liên quốc gia

Quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, trong đó chú trọng việc lan tỏa các giá trị, tư tưởng, quan điểm nhân sinh quan, thế giới quan tiến bộ và cao đẹp của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thông qua hình ảnh, giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân được UNESCO vinh danh; quan tâm phát triển ngành công nghiệp văn hóa, mở rộng thị trường cho hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam; xây dựng Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế và thúc đẩy xây dựng thương hiệu địa phương. Đặt mục tiêu tới năm 2030, tất cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xây dựng “Góc Việt Nam” hoặc “Không gian Việt Nam - Hồ Chí Minh”; các tỉnh, thành phố lớn của Việt Nam có các sự kiện ngoại giao văn hóa lớn thường niên.

Vận động mới, bảo vệ và phát huy các di sản, danh hiệu Việt Nam đã được quốc tế công nhận để vừa góp phần bảo tồn giá trị truyền thống vừa tạo thêm nguồn lực để các địa phương phát triển nhanh và bền vững, vừa thể hiện trách nhiệm đóng góp vào kho tàng văn hóa, tri thức của nhân loại; vận động để Việt Nam đăng cai các sự kiện quốc tế và khu vực về văn hóa, khoa học, giáo dục, thể thao, du lịch... vận động đưa người Việt Nam tham gia đóng góp tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế về văn hóa. Đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có trên 60 di sản, danh hiệu được quốc tế công nhận; có trên 10 danh nhân người Việt Nam được quốc tế vinh danh; đưa thêm nhiều người Việt Nam ứng cử, tham gia vào các vị trí lãnh đạo tại các diễn đàn văn hóa, khoa học, giáo dục... của khu vực và thế giới...

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Quyết định nêu rõ một số biện pháp tổng quát cần thực hiện trong thời gian tới như: tăng cường nghiên cứu, tham mưu chính sách; cơ chế phối hợp, thực hiện; nguồn lực; công tác thông tin, tuyên truyền; gắn kết ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế; ngoại giao văn hóa với địa phương, người dân, doanh nghiệp và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài.

Trong đó, cần thúc đẩy quan hệ, hợp tác, xây dựng lòng tin với các quốc gia, tổ chức khu vực và quốc tế; hội nhập sâu, rộng trong các lĩnh vực về văn hóa tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế; quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; vận động, đa dạng hóa và bảo tồn, phát huy các di sản, danh hiệu quốc tế của Việt Nam; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Ngoại giao, các Bộ và cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện, triển khai Chiến lược.

Khánh An