Văn hóa, du lịch

Hà Nội phấn đấu đẩy mạnh thiết kế sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa

Thứ ba, 30/11/2021 | 17:09 GMT+7
Tại hội thảo “Thiết kế sáng tạo từ nguồn lực văn hóa Thủ đô” diễn ra mới đây tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhiều ý kiến khẳng định thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh lĩnh vực thiết kế để phù hợp với danh hiệu thành phố sáng tạo.

Hội thảo “Thiết kế sáng tạo từ nguồn lực văn hóa Thủ đô” nằm trong khuôn khổ Tuần lễ thiết kế Việt Nam 2021 do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng các đơn vị liên quan tổ chức.

Được biết, thực hiện cam kết với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) sau khi trở thành thành phố thiết kế sáng tạo, Hà Nội phải cụ thể hóa hành động bằng các chương trình và kế hoạch dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của thành phố, tạo điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực thiết kế sáng tạo cũng như nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội - thành phố sáng tạo.

Tại hội thảo, bà Phạm Thị Mỹ Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, việc tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Hà Nội.

Chặng đường phía trước đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của thành phố, từ các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là vai trò của mỗi người dân. Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành của tất các các bên liên quan để hiện thực hóa tầm nhìn, vì mục tiêu phát triển bền vững.

Đẩy mạnh lĩnh vực thiết kế để phù hợp với danh hiệu thành phố sáng tạo và phát triển bền vững của Hà Nội

Bên cạnh đó, các đại biểu tham gia hội thảo cũng đề cập đến nguồn lực văn hóa, việc khai thác nguồn lực cho thiết kế sáng tạo, những giải pháp để thúc đẩy phát triển thành phố sáng tạo, hiện thực hóa các sáng kiến khi Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO và cơ chế chính sách của Hà Nội để kế hoạch hành động đạt hiệu quả cao.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, năm 2019 có 66 thành phố trở thành thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế và Hà Nội là một trong số đó. Thiết kế sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ, sức sáng tạo của con người là quá trình tạo ra các giải pháp thông minh cho mọi vấn đề của cuộc sống. Thiết kế sáng tạo có trong mọi lĩnh vực của đời sống, làm nên vẻ đẹp hài hòa của một đô thị có kiến trúc lịch sử nhiều lớp... Do đó, lựa chọn lĩnh vực thiết kế sáng tạo là một giải pháp tối ưu nhằm tạo ra bước đột phá, xây dựng Hà Nội trở thành một thành phố thông minh, sáng, xanh, sạch, đẹp và đáng sống.

Với danh hiệu đó, các chính sách của thành phố Hà Nội thời gian qua đã bước đầu tạo khung thể chế có khả năng phát huy được 8 trụ cột tài nguyên văn hóa như: di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, di sản thiên nhiên, sản phẩm và dịch vụ văn hóa đa dạng... Mặc dù chưa tạo ra cơ chế để chuyển hóa nhưng các tổ chức công - tư, các đơn vị nghiên cứu đã tạo động lực để Hà Nội chuyển mình ở lĩnh vực thiết kế, góp phần không nhỏ vào việc tái sinh, đánh thức các nguồn tài nguyên văn hóa, tạo nên sự phát triển các sản phẩm dịch vụ công nghiệp văn hóa.

Bà Nguyễn Thị Thu Phương nhận định, thành phố cần tạo sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa, tạo cơ chế đầu tư tài chính và thu hút vốn, hình thành môi trường thúc đẩy sáng tạo, đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ, triển khai quyết liệt 6 sáng kiến hành động của Hà Nội đã cam kết với Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Minh Khang (T/H)