Qua buổi làm việc, hai bên cùng thống nhất nâng cao chất lượng hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Thụy Sĩ.
Trong đó, về phía Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị tăng cường hợp tác hơn nữa giữa các trường đại học của hai nước, như đẩy mạnh thực hiện các chương trình liên kết đào tạo giữa các trường đại học, đặc biệt chú trọng vào những lĩnh vực mà Thụy Sĩ có thế mạnh như du lịch, khách sạn, bảo hiểm, ngân hàng, công nghệ cao… cũng như các hoạt động đổi mới sáng tạo trong nhà trường.
Đẩy mạnh việc trao đổi giảng viên, sinh viên và hình thành các nhóm nghiên cứu của các giáo sư từ trường đại học của hai nước. Qua đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng bày tỏ vui mừng khi Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Guy Parmelin đã đề nghị 5 trường đại học hàng đầu của Thụy Sĩ đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học của Việt Nam tại buổi làm việc với Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Đẩy mạnh trao đổi, hợp tác giáo dục giữa các trường đại học Việt Nam với Thụy Sĩ
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cảm ơn chương trình học bổng của Thụy Sĩ đã giúp tiếp nhận 118 du học sinh Việt Nam sang học tập tại Thụy Sĩ và mong muốn Thụy Sĩ tiếp tục cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Về phía Thụy Sĩ, Quốc Vụ khanh Martina Hirayama hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Việt Nam về việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa các trường đại học của Việt Nam và Liên bang Thụy Sĩ. Bên cạnh đó, bà cũng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện vai trò kiến tạo để những đoàn công tác của các trường đại học của hai nước có thể tiếp cận, trao đổi và thống nhất xây dựng những chương trình hợp tác cụ thể.
Bên cạnh lĩnh vực giáo dục, trong buổi làm việc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin diễn ra cùng ngày, các thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực giữa hai nước cũng được ký kết.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước chia sẻ với các nhà đầu tư Thụy Sĩ về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào Việt Nam và cho biết Việt Nam đã chuyển từ chỉ đơn thuần thu hút vốn FDI sang hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần bình đẳng, cùng phát triển và cùng có lợi, có trách nhiệm với xã hội, người lao động và bảo vệ môi trường.
Theo đó, Việt Nam chọn lọc và ưu tiên thu hút những dự án thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển. Việt Nam cam kết hợp tác và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế tham gia vào chuỗi giá trị, thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội...