Tiết kiệm điện năng

Hoàn thiện chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

Thứ hai, 10/2/2025 | 20:21 GMT+7
Ngày 10/2, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức phiên họp lần 1 Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Các đại biểu tham gia cuộc họp đã góp ý tập trung vào các nội dung: đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển từ cơ chế khuyến khích sang bắt buộc đối với các đối tượng sử dụng năng lượng cũng như quy định rõ cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư cho sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; dịch vụ ESCO; nhãn năng lượng; thời gian ban hành danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm…

Kết luận chỉ đạo phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là cần thiết để thể chế hóa các chủ trương của Đảng về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đề ra, trong đó có mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP 26).

Bộ trưởng khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Điều này nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực này thời gian qua. Đồng thời, để giải quyết được những bất cập của luật hiện hành để có thể thực hiện được cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 nhằm đạt trung hòa carbon vào năm 2050.

Quang cảnh cuộc họp

Bên cạnh đó, sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm giải quyết được các vấn đề của thực tiễn trong nước đặt ra, phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế, tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ vướng mắc, rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tăng cường các cơ chế khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên phạm vi cả nước.

Khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhưng vừa có cơ chế và chế tài xử lý đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Các đại biểu đều thống nhất ở giai đoạn này trở đi cần có các chế tài xử lý, bắt buộc. Bộ trưởng nhấn mạnh: năng lượng ngày càng cần nhiều hơn nhưng đòi hỏi phải sạch hơn nếu việc sử dụng không tiết kiệm, không hiệu quả sẽ lãng phí nguồn tài nguyên; không góp phần để đạt trung hòa carbon mà lại làm ngược lại. Nên phải có những quy định khắt khe để buộc các tổ chức, cá nhân, đơn vị có liên quan phải thực hiện quy định này.

Việc sửa đổi luật cũng sẽ giúp chúng ta kịp thời tận dụng và thu hút được đầu tư các nguồn lực quốc tế trong quá trình thực hiện mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, chuyển đổi thị trường các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

Cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo lần đầu của luật và tờ trình Chính phủ, Bộ trưởng yêu cầu muộn nhất đến ngày 12/2 sẽ đăng tải chính thức dự thảo của luật, cũng như dự thảo tờ trình Chính phủ, Quốc hội để lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các Bộ, ngành, các địa phương, đơn vị có liên quan theo đúng quy định.

Bộ trưởng đề nghị Tổ biên tập tiếp tục tiếp thu ý kiến của các thành viên để hoàn thiện dự thảo theo tinh thần thể chế hóa đầy đủ, chính xác các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.

Đồng thời, tiếp tục tổng kết các quy định của pháp luật có liên quan về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; tiếp tục kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh áp dụng có hiệu quả, bổ sung các quy định để xử lý những bất cập, vướng mắc của pháp luật hiện hành và các phát sinh của thực tiễn với mục tiêu lớn nhất đáp ứng được yêu cầu về năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng. Ngoài ra, phải rà soát để xử lý được những mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác có liên quan.

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc xây dựng dự thảo luật được thực hiện theo tinh thần chỉ quy định các vấn đề khung, ngắn gọn, đi thẳng vào các chính sách, nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính và phân cấp tối đa để các địa phương, doanh nghiệp chủ động thực hiện.

Hải Long (t/h)