Hợp tác giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước ở vùng đồng bằng sông Hồng

Thứ hai, 19/8/2024 | 15:11 GMT+7
Đoàn công tác của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO), Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã vừa làm việc với các địa phương về góp ý xây dựng văn kiện dự án “Tăng cường quản lý và tuân thủ thể chế tài nguyên nước nhằm giải quyết tình trạng suy giảm oxy hòa tan trong nước do chất dinh dưỡng và các chất ô nhiễm khác gây ra ở vịnh Bắc Bộ”.

Làm việc tại tỉnh Ninh Bình, ông Nguyễn Song Hà, trợ lý đại diện FAO về chương trình, Văn phòng FAO Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ dự án chu kỳ 8 của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), hiện đang trong quá trình xây dựng văn kiện dự án “Tăng cường quản lý và tuân thủ thể chế tài nguyên nước nhằm giải quyết tình trạng suy giảm oxy hòa tan trong nước do chất dinh dưỡng và các chất ô nhiễm khác gây ra ở vịnh Bắc Bộ”.

Mục tiêu của dự án là quản lý, giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước vùng đồng bằng sông Hồng thông qua phương thức quản lý tổng hợp lưu vực sông, trong đó xem xét toàn diện tác động của hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước phía thượng nguồn đến vùng hạ lưu ven biển, từ đó có giải pháp giảm thiểu sự suy giảm oxy hoà tan trong nước tại vịnh Bắc Bộ. 

Dự án sẽ bao gồm 4 hợp phần chính: tăng cường nhận thức và hiểu biết nhằm hỗ trợ ra quyết định, hành động dựa trên cơ sở khoa học; tăng cường chính sách và cơ chế tài chính; xây dựng các thực hành tốt nhất, triển khai thí điểm; giám sát và đánh giá.

Ô nhiễm nguồn nước tại vịnh Bắc Bộ 

Tại buổi làm việc, đoàn công tác của FAO và Cục Quản lý tài nguyên nước đã trao đổi với đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan về thực trạng, vấn đề về ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, những nguyên nhân chính; tác động, thiệt hại do ô nhiễm nước đối với kinh tế, xã hội, môi trường; công tác bảo vệ môi trường nước, quản lý nước thải; dự án đã, đang và sẽ triển khai liên quan đến công tác bảo vệ môi trường nước, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh...

Ông Lê Hùng Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình đã đề xuất một số nội dung cần được ưu tiên, hỗ trợ trong quá trình triển khai dự án tại địa phương nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nước trên địa bàn.  

Trong khuôn khổ chuyến công tác, đoàn công tác FAO và Cục Quản lý tài nguyên nước đã đi thực địa dọc hệ thống sông Đáy, một số vùng đất ngập nước tiêu biểu đóng vai trò lọc, xử lý chất ô nhiễm, một số điểm nóng ô nhiễm nước khác (nước thải sinh hoạt, làng nghề, nông nghiệp, thủy sản…) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Tại tỉnh Hà Nam, đoàn công tác của FAO và Cục Quản lý tài nguyên nước cũng đã trao đổi với đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh về thực trạng và vấn đề về ô nhiễm nguồn nước, những nguyên nhân chính; tác động và thiệt hại do ô nhiễm nước đối với kinh tế, xã hội, môi trường; công tác bảo vệ môi trường nước và quản lý nước thải; các dự án đã, đang và sẽ triển khai liên quan đến công tác bảo vệ môi trường nước, bảo tồn đa dạng sinh học; các mô hình tốt. 

Các bên còn chia sẻ, trao đổi những đề xuất cụ thể về công cụ khoa học, công nghệ, thể chế, kinh tế, tài chính, nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nước như: giải pháp xử lý nước dựa vào tự nhiên; khôi phục và duy trì hệ sinh thái đóng vai trò bộ lọc tự nhiên; kiểm soát nguồn thải diện (chảy tràn) từ hoạt động nông nghiệp, thủy sản; thúc đẩy chính sách về kinh tế sinh học, kinh tế tuần hoàn; cơ chế khuyến khích trong thu gom, xử lý nước thải, tái sử dụng nước thải, sản xuất xanh, giảm phát thải; các cơ chế phối hợp liên ngành trong kiểm soát ô nhiễm nước, quản lý tài nguyên nước; biện pháp cải thiện sự tham gia sâu, rộng của khối tư nhân và cộng đồng địa phương trong bảo vệ môi trường nước, đa dạng sinh học…

Ông Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam chia sẻ về những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh cũng như những khó khăn, thách thức liên quan đến công tác bảo vệ môi trường nước, quản lý nước thải trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Qua đó, ông đề xuất về các nội dung cần được ưu tiên, hỗ trợ trong quá trình triển khai dự án tại địa phương nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nước trên địa bàn. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cũng phân công các cơ quan làm đầu mối để bảo đảm cung cấp thông tin, dữ liệu và thực hiện những phần việc hợp tác với FAO trong xây dựng văn kiện dự án, đáp ứng những mục tiêu dự án đề ra, góp phần vào công tác phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ các nguồn nước chảy ra biển, quản lý bền vững tài nguyên nước tại Việt Nam.

Mộc Trà (T/H)