Kinh tế xanh

Hợp tác quốc tế trong đẩy mạnh tăng trưởng xanh tại Việt Nam

Thứ ba, 18/4/2023 | 15:10 GMT+7
Ngày 18/4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Boston Consulting Group (BCG) tổ chức hội nghị “Thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Lộ trình đến thành công”.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, tăng trưởng xanh là giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài. Tăng trưởng xanh còn đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu hoàn thành cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 của Chính phủ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, với tiềm năng, vị thế địa kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn trong tăng trưởng xanh để có thể chuyển mình, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, đi tắt đón đầu và tạo đà cho một bước nhảy vọt về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Đây sẽ là lựa chọn dài hạn để đảm bảo cân đối, hài hòa mục tiêu giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính với sự phát triển và quy mô ngày càng tăng của nền kinh tế.

Hội nghị “Thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Lộ trình đến thành công”

Nghiên cứu của BCG được công bố tại hội nghị chỉ ra rằng, để tăng tốc tăng trưởng xanh, việc chuyển dịch hai ngành điện gió và điện mặt trời sẽ đóng góp vào GDP lên tới 70 - 80 tỷ USD, đồng thời tạo ra khoảng 90.000 – 105.000 việc làm trực tiếp. Ngoài ra, hệ sinh thái hydro sạch dựa trên nền tảng năng lượng tái tạo có tiềm năng đóng góp 40 - 45 tỷ USD vào GDP hàng năm, tạo ra khoảng 40.000 – 50.000 việc làm, mang lại lợi ích cho cả thị trường nội địa lẫn tiềm năng xuất khẩu đến các nước phát triển trên thế giới.

Tuy nhiên, BCG đánh giá, để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh theo chiến lược mà Việt Nam đặt ra, cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực thiết yếu nhất giúp Việt Nam kích hoạt các lợi thế tự nhiên và vươn lên trở thành nước phát triển trên cả ba yếu tố môi trường, kinh tế và xã hội vào năm 2045.

Theo ông Jaime Ruiz-Cabrero, Tổng giám đốc BCG khu vực Đông Nam Á, các quốc gia dẫn đầu thế giới đang tăng tốc đẩy mạnh phát triển các công nghệ giải pháp nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, sạch và ít carbon. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam đón đầu xu hướng và trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ sạch trong khu vực và có thể toàn cầu. Trước mắt, Việt Nam cần hoàn thiện thể chế chiến lược xanh và đẩy mạnh xây dựng nền móng khuôn khổ pháp lý; tăng cường xây dựng hệ thống tài chính xanh ổn định, giúp giảm chi phí vốn đầu tư; phát triển hệ thống hạ tầng lưới điện, tạo nền móng để phát triển các nguồn năng lượng sạch và tái tạo; tăng tốc phát triển hệ sinh thái hydro sạch.

Về kế hoạch hành động trong tương lai, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đơn vị sẽ ưu tiên đẩy mạnh triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thông qua xây dựng cơ chế chính sách đầu tư, hoàn thiện chính sách, khuôn khổ pháp lý và nâng cao khả năng tiếp cận nguồn lực đầu tư.

Bộ cũng sẽ phối hợp với các Bộ, ban ngành và địa phương để triển khai xây dựng danh mục các dự án tăng trưởng xanh trọng điểm; xây dựng và triển khai các công cụ tài chính xanh phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam và bối cảnh quốc tế mới. Nghiên cứu, ban hành chính sách ưu đãi cho hoạt động sản xuất xanh, khuyến khích bảo vệ môi trường, giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu cũng như sẵn sàng chuyển đổi xanh; tuyên truyền nâng cao ý thức và tự giác thực hiện lối sống xanh trong cộng đồng…

Tại hội nghị, các đối tác bày tỏ sự tin tưởng vào khát vọng và quyết tâm thực hiện tăng trưởng xanh của Việt Nam, đồng thời cam kết đồng hành, hỗ trợ quá trình chuyển đổi này. 

Ngọc Mai