Hợp tác xây dựng khu vực sông Mê Kông phát triển bền vững

Thứ sáu, 11/3/2022 | 16:15 GMT+7
Ngày 10/3, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà tiếp Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông quốc tế A-nu-lắk Kít-ti-khun để cùng trao đổi về tình hình hoạt động, xin ý kiến chỉ đạo cho định hướng hoạt động của Ủy hội trong thời gian tới.

Trao đổi với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ông A-nu-lắk Kít-ti-khun cho biết, khu vực sông Mê Kông đang gặp nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu do đó rất cần sự hợp tác chặt chẽ từ các nước thành viên để đảm bảo và đáp ứng được các mục tiêu đặt ra như: phục vụ lợi ích phát triển của các nước, kiểm soát dòng chảy, phòng ngừa hạn hán, lũ lụt, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vai trò của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế.

Qua đây, Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông quốc tế hy vọng Việt Nam sẽ điều phối, dẫn dắt đưa ra giải pháp để thực hiện các mục tiêu chung cũng như tăng cường đối thoại với các quốc gia thượng nguồn như Trung Quốc, Myanmar để chia sẻ các dữ liệu, điều phối dòng chảy, tăng cường an ninh nguồn nước trong khu vực và mang lại kết quả cùng có lợi cho tất cả các quốc gia trong lưu vực.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tiếp Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông quốc tế A-nu-lắk Kít-ti-khun

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chúc mừng ông A-nu-lắk Kít-ti-khun giữ chức Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông quốc tế nhiệm kỳ 2022 - 2024. Với tư cách là Ủy viên Hội đồng Ủy hội sông Mê Kông quốc tế của Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Ủy hội sông Mê Kông quốc tế nhiệm kỳ 2022, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam luôn ủng hộ các hoạt động hợp tác của Ủy hội, đặc biệt trong việc thực hiện Chiến lược Phát triển lưu vực sông Mê Kông giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch Chiến lược 2021 - 2025 của Ủy hội.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, lưu vực sông Mê Kông hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức do sự gia tăng sử dụng nước cho mục tiêu phát triển kinh tế và tác động của biến đổi khí hậu. Để giải quyết những khó khăn thách thức đó, ngoài nỗ lực của các quốc gia thì sự hỗ trợ của Ủy hội đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, trong thời gian tới, Ủy hội sông Mê Kông quốc tế cần có những thay đổi quan trọng để phát triển thích ứng với điều kiện thực tại.

Trong đó, cần tăng cường hơn nữa trong việc hợp tác với các nước thượng nguồn để điều phối, khai thác bảo vệ tài nguyên nước. Bên cạnh việc bảo vệ nguồn tài nguyên nước bền vững, cần đưa ra các mô hình phát triển để bảo vệ các giá trị về đa dạng sinh học, nguồn tài nguyên về lịch sử, văn hóa sinh kế của người dân trong khu vực. Để làm được điều đó cần thêm nhiều các cuộc hội thảo để tiếp nhận được nhiều mô hình, ý tưởng tốt và sự phối hợp chung của các quốc gia.

Ngoài ra, với sự phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ như hiện nay, Bộ trưởng đề nghị Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông quốc tế cần điều phối các quốc gia xây dựng được một cơ sở dữ liệu phát triển chung về cảnh báo lũ, cơ sở dữ liệu về quan trắc khí tượng thủy văn, phù sa bùn cát, thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh và chất lượng nước… từ đó vừa giám sát vừa phát triển, phục hồi, xây dựng được các giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học.

Đồng thời, trợ giúp các quốc gia nghiên cứu việc đầu tư năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và loại bỏ các công trình thủy điện có ảnh hưởng tiêu cực lớn đến tài nguyên nước sông Mê Kông, đặc biệt là những tác động xuyên biên giới; góp phần giảm phát thải khí nhà kính như cam kết của lãnh đạo cấp cao các nước tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 26 của Liên Hợp Quốc (COP26).

Bộ trưởng cũng đề nghị Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông quốc tế mở rộng và tham khảo thêm các mô hình quản lý, điều phối với các Ủy hội sông quốc tế khác trên thế giới cũng như phối hợp với các nước thượng nguồn để có được giải pháp tốt nhất phát triển bền vững, chia sẻ lợi ích công bằng, gìn giữ được các giá trị lâu dài cho thế hệ sau.

Phương An (T/H)