Bản tin môi trường số 8/2022

Thứ hai, 7/3/2022 | 11:00 GMT+7
Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) vừa công bố tài liệu liên quan đến Báo cáo biến đổi khí hậu 2022, trong đó cảnh báo vấn đề lương thực và nông nghiệp có ảnh hưởng mật thiết với biến đổi khí hậu.

Sản xuất lương thực liên quan mật thiết đến biến đổi khí hậu

Theo báo cáo, trong số 540 tỷ USD mỗi năm được các Chính phủ dành để trợ cấp cho sản xuất lương thực, có đến 87% là gây ảnh hưởng cho môi trường thiên nhiên, khí hậu và đời sống con người, chẳng hạn như việc lạm dụng hóa chất nông nghiệp hoặc độc canh (canh tác một loại cây trồng). Cách tiếp cận nông nghiệp theo kiểu công nghiệp này đã được chứng minh là khiến cho sản xuất lương thực dễ bị ảnh hưởng hơn do tác động của khí hậu. Điển hình như việc độc canh sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nước bởi độc canh làm giảm khả năng hấp thụ nước mưa và vùng đất đó dễ bị hạn hán hơn do thiếu sự đa dạng về chiều dài rễ cây và do chỉ hút nước từ một tầng trong lòng đất.

Canh tác nông nghiệp và sản xuất lương thực truyền thống ảnh hưởng trực tiếp đến tự nhiên và môi trường

Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra rằng sản xuất lương thực thực phẩm đóng góp hơn một phần ba (37%) lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu, hơn một nửa trong đó (57%) liên quan đến việc sản xuất thực phẩm từ động vật. Trong khi chuyển đổi sang các phương pháp canh tác đa dạng hơn, sản xuất sản phẩm thịt, sữa ít đi và giàu dinh dưỡng hơn là cách hiệu quả nhất để cắt giảm lượng khí thải từ ngành này và bảo vệ thiên nhiên. Một nghiên cứu của châu Âu cho thấy rằng sự chuyển đổi sang nông nghiệp xanh, khi các đàn gia súc nhỏ hơn trở thành một phần của hệ thống canh tác hỗn hợp, ta có thể cắt giảm lượng khí thải nông nghiệp xuống 47% so với năm 2010, đồng thời duy trì được khả năng xuất khẩu cũng như cung cấp đủ lương thực thực phẩm cho 530 triệu người châu Âu.

So sánh với canh tác nông nghiệp xanh - một phương pháp tiếp cận thân thiện với thiên nhiên và tương thích với nhiều kiểu khí hậu, phương pháp này giúp cây trồng có khả năng chống chịu tốt hơn trước các điều kiện khí hậu khắc nghiệt, tăng khả năng phục hồi, tăng sản lượng, giảm phát thải và cải thiện thu nhập của nông dân.

Hợp tác công tư trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam

Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng một số đơn vị liên quan vừa tổ chức hội thảo trực tuyến “Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam”.

Hội thảo nhằm tổng kết đánh giá các kết quả hợp tác giữa các bên sau 2 năm ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác công – tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam (gọi là hợp tác công – tư quản lý rác thải nhựa). Từ đó đề ra những nhiệm vụ trọng tâm lớn cần thực hiện trong thời gian tới, góp phần thiết thực vào Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 và Đề án Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả công tác thu gom, tái chế rác thải nhựa ở Việt Nam

Theo báo cáo tại hội thảo, lượng rác thải nhựa quá cao gây ra gánh nặng với môi trường, đặc biệt với các quốc gia đang phát triển và có hệ thống quản lý chất thải rắn chưa hoàn thiện như Việt Nam. Trung bình mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trở thành 1 trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới.

Do đó, với biên bản ghi nhớ về hợp tác công – tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam, các bên tham gia đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực bám sát 4 nhiệm vụ trọng tâm và đạt được những thành quả tích cực.

Thông qua hợp tác, các công nghệ và giải pháp khoa học từ các quốc gia tiên tiến liên tục được nghiên cứu và ứng dụng, với mục tiêu hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất bao bì và hạt nhựa tái chế ở Việt Nam.

Khí thải carbon từ nạn phá rừng đang tăng cao

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Sustainability, lượng khí thải carbon từ nạn phá rừng nhiệt đới tăng gấp đôi chỉ trong 2 thập kỷ và đang tiếp tục tăng tốc.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, các khu rừng trên thế giới tạo thành một kho lưu trữ carbon khổng lồ, chứa khoảng 861 gigatons carbon. Khi cây bị chặt, chúng sẽ giải phóng carbon tích trữ vào bầu khí quyển. Kể từ năm 2000, thế giới đã mất khoảng 10% độ che phủ của cây cối, điều này trở thành nguyên nhân chính gây ra sự nóng lên toàn cầu.

Lượng carbon do nạn phá rừng nhiệt đới trong 2 thập kỷ qua đã tăng gấp đôi và tiếp tục tăng, phần lớn là do mở rộng diện tích đất nông nghiệp. Kết quả phân tích cho thấy, khoảng 1/5 hoạt động phát quang đất đai ở vùng nhiệt đới diễn ra ở các vùng miền núi, nơi có trữ lượng carbon tương đối cao, đặc biệt là ở châu Á.

Chặt phá rừng làm tăng lượng phát thải khí carbon

Mặt khác, chăn nuôi gia súc, trồng dầu cọ, đậu nành, ca cao, cao su và cà phê đều là những nguyên nhân hàng đầu gây mất rừng nhiệt đới, phá hủy một số nơi có tính đa dạng sinh học cao nhất trên trái đất, nơi sinh sống của các loài bao gồm báo đốm, con lười, đười ươi, chim toucan và vượn cáo.

Theo đó, chính phủ các nước cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng; thấy rõ được vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, hệ sinh thái và biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, cần bảo vệ và quản lý nghiêm, kết hợp với tăng cường các biện pháp trồng mới, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên; có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi diện tích rừng, tránh để lợi dụng nhằm trục lợi; không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác (trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do chính phủ quyết định).

Khánh An