Huế tập huấn, hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

Thứ hai, 13/11/2023 | 11:02 GMT+7
Nhằm phổ biến hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt, UBND thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) tổ chức tập huấn hướng dẫn về công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Tại sự kiện, đại diện UBND thành phố Huế và dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” đã phổ biến kế hoạch, phương án tổ chức triển khai chương trình Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Huế đến năm 2025, cũng như kinh nghiệm triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn đã được triển khai giai đoạn 1 trên địa bàn 23 phường vào năm 2022. Ngoài ra, Ban tổ chức còn tuyên truyền và phổ biến Luật Bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, WWF Việt Nam đã trao tặng tượng trưng 139 bộ thùng phân loại rác cho UBND thành phố Huế để thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2 trên địa bàn 36 phường, xã.

Tập huấn hướng dẫn về công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường 2020

Theo thông tin tại sự kiện, thành phố Huế dự kiến cung cấp chất thải rắn sinh hoạt cho Nhà máy đốt rác phát điện Phú Sơn và căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương để tổ chức thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn thành 3 nhóm (nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế như giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh các loại; nhóm chất thải nguy hại gồm pin, ắc quy, bóng đèn huỳnh quang, thiết bị điện tử hỏng, các loại chất thải nguy hại khác; nhóm chất thải còn lại).

Đồng hành cùng Huế, WWF Việt Nam tài trợ 156 bộ thùng lưu chứa rác ở giai đoạn 1 và tiếp tục hỗ trợ thêm 139 bộ thùng trong giai đoạn 2. Trong đó, rút kinh nghiệm ở giai đoạn 1, thùng lưu chứa rác ở giai đoạn 2 được thiết kế mới, sẽ thay thế thùng lưu chứa rác tái chế màu trắng bằng ngôi nhà xanh chứa rác tái chế và sẽ giữ nguyên thùng lưu chứa rác nguy hại màu cam, thùng lưu chứa rác thủy tinh màu ghi như phiên bản cũ.

Thành phố Huế giao trách nhiệm cho UBND các phường xã, địa phương có điểm đặt bộ thùng lưu chứa rác tăng cường quản lý rác tái chế tại ngôi nhà xanh, thúc đẩy các địa phương tích cực tuyên truyền thực hiện hoạt động phân loại rác tại nguồn.

Theo WWF Việt Nam, việc thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là vấn đề cấp thiết hiện nay không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới. Việc Huế vận động người dân phân loại rác đúng cách sẽ góp phần làm giảm áp lực cho môi trường, tăng tỷ lệ thu hồi, tái chế, đồng thời giảm thiểu rác thải thất thoát tại nguồn, dần tiến đến giảm thiểu phát sinh rác thải nhựa trên toàn địa bàn thành phố Huế, hướng đến mục tiêu xây dựng Huế xanh, sạch, sáng, thân thiện với môi trường.

Khánh An (T/H)