Hướng đến đô thị thông minh đầu tiên của Việt Nam

Thứ ba, 7/1/2020 | 11:55 GMT+7
“Điểm sáng” và “mô hình rất thực tế” là những cụm từ được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá khi đến thăm Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên Huế (Hue IOC). “Chính phủ sẽ lấy mô hình của Huế để học hỏi và chia sẻ thông tin khi có những kết nối, ứng dụng công nghệ vào quản lý, điều hành của chính quyền địa phương”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ấn tượng và đánh giá cao Trung tâm Hue IOC khi đến thăm

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương khi đến thăm Hue IOC đều ghi nhận, đánh giá cao quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh trong mô hình xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM), đáng để học tập, nhân rộng. 

“Trái tim” của đô thị thông minh

Nói về ý tưởng xây dựng ĐTTM, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ chia sẻ, ĐTTM là một hệ sinh thái giữa chính quyền thông minh và người dân thông minh, công nghệ là công cụ. Cho nên, khi triển khai tỉnh không đặt yếu tố công nghệ lên hàng đầu mà vấn đề làm sao nắm bắt được yêu cầu của người dân, để người dân biết được đô thị chúng ta cần phát triển đến đâu, từ đó đồng hành cùng chính quyền.

Trên cơ sở những thai nghén về dịch vụ ĐTTM, cộng với hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) có sẵn và sự giúp sức của Viettel, Hue IOC ra đời. Sau một năm vận hành, Hue IOC được xem là “trái tim”- nơi điều phối tất cả các hoạt động của ĐTTM. Hue IOC phát huy vai trò là đầu mối tiếp nhận, phân phối thông tin điều hành, tạo ra sự kết nối trực tuyến giữa công dân, doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước; thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, điều hành và nâng cao chất lượng các hoạt động hành chính.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn cho biết, việc phát triển các dịch vụ ĐTTM là sự đổi mới phương thức làm việc, đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, lấy thuận lợi làm mục tiêu, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển. Đây là đột phá trong lĩnh vực ứng dụng CNTT vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển. Mô hình smartcity của Huế triển khai trên nền tảng của Tập đoàn Viettel đã chiến thắng hạng mục Giải pháp thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á tại giải thưởng Quốc tế TELECOM ASIA AWARDS 2019.

Ngoài giải thưởng trên, mới đây, giải pháp “Số hóa tiếp nhận phản ánh kiến nghị tập trung” cũng đoạt giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam - VIET NAM DIGITAL AWARDS 2019 do Hội Truyền thông số Việt Nam trao tặng. Giải pháp này cung cấp chức năng hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, khách du lịch, phản ánh toàn diện các hoạt động trên địa bàn tỉnh. Đây là một kênh “cảm biến xã hội” thông qua việc tiếp nhận ý kiến phản ánh. Dịch vụ “phản ánh hiện trường” được người dân tham gia tích cực, với sự vào cuộc nhanh chóng của chính quyền các cấp đã góp phần xây dựng môi trường sống xanh - sạch - sáng, ổn định trật tự xã hội, an toàn giao thông trên địa bàn.

“Bây giờ, người dân hay du khách cầm trên tay điện thoại công nghệ với công cụ Hue-S, bấm gửi phản ánh, rồi thấy phản ánh của mình được đưa lên mạng, sau đó có người vào tiếp nhận, xử lý.  Đây là công việc chung, có ích cho Huế, hướng tới tương lai về một thành phố thông minh, nơi có những công dân thông minh mang trong mình niềm tự hào “hàng đầu châu Á” giống như giải thưởng mà Huế đã có được”- ông Todashi Sugaya- một du khách Nhật Bản chia sẻ.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông nhận giải thưởng về chuyển đổi số cho mô hình dịch vụ đô thị thông minh

Hướng đến xứ sở hạnh phúc

Để thành công như hôm nay, trước tiên phải là sự quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh với quan điểm thực hiện từ “điểm” đến “điện”, từ “dễ” đến “khó”; vừa làm vừa từng bước hoàn thiện về thể chế, quy trình tin học hóa các thủ tục hành chính, đầu tư hạ tầng kỹ thuật cơ sở và tạo lòng tin người sử dụng hệ thống.

“Quá trình xây dựng chính quyền điện tử và ĐTTM, quan trọng nhất là người đứng đầu phải gương mẫu, tiên phong. Người đứng đầu không chỉ là chủ thể kiểm tra, giám sát mà phải là đối tượng thực hiện ứng dụng CNTT trong hoạt động điều hành nên tạo sự đồng thuận cao. Phải đổi mới phương thức làm việc, thay đổi nhận thức để thay đổi hành động, lấy nền tảng văn hoá để phát triển, tạo tư duy đột phá để vươn lên. Làm sao cho chính quyền có được quy trình hiện đại và hiệu quả. Sự vươn lên của chính quyền tạo hứng khởi cho người dân, doanh nghiệp tham gia ”- Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nói.

Những gì ĐTTM của Huế làm được đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá rất cao. Thăm Hue IOC, Thủ tướng nói: “Những gì Huế làm được qua mô hình ĐTTM là rất đáng khích lệ, cần phát huy hơn nữa. Có một số địa phương chưa làm được như Huế, cần phát triển và nhân rộng ở một số địa phương khác”. Thủ tướng cũng ấn tượng với việc xã hội hóa trong công tác điều hành ĐTTM. “Tiền ít nhưng làm hiệu quả và thiết thực”, việc vận động xã hội hóa rất cần thiết, không chỉ ở Huế mà còn ở các địa phương khác.

Không bao lâu nữa, Huế sẽ hoàn thiện mô hình ĐTTM với trụ cột là công nghệ và con người, tiếp cận với các thành phố thông minh hiện đại trong khu vực và thế giới trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và du lịch. Quá trình hoàn thiện có thể mất thêm vài năm nữa. Huế khi đó sẽ là ĐTTM hoàn chỉnh đầu tiên tại Việt Nam, hướng đến một địa phương an toàn, thân thiện, hạnh phúc.

Hình mẫu cho các địa phương khác học tập

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng đánh giá, Huế là địa phương tiêu biểu trong triển khai ĐTTM, với điểm nổi bật và gây được ấn tượng mạnh là quản lý giám sát tập trung kết hợp việc theo dõi dịch vụ công trực tuyến với dịch vụ ĐTTM tại một trung tâm. Theo ông Nguyễn Thành Hưng, thành công trong đầu tư CNTT và xây dựng ĐTTM được quyết định thông qua đầu tư tập trung. Đây là điểm khác biệt giữa Huế với các thành phố khác, khi nhiều đô thị vốn có điều kiện thuận lợi hơn Huế nhưng đầu tư manh mún, dẫn tới không thể sớm triển khai thành công ĐTTM. Huế là một ví dụ tốt, mẫu mực để các bộ, ngành, địa phương học tập triển khai.

Hiện nay, IOC triển khai đồng thời 10 dịch vụ ĐTTM, gồm: phản ánh hiện trường; nhóm giải pháp camera giám sát đô thị; thông tin cảnh báo; giám sát thông tin báo chí địa phương; thẻ điện tử công chức, viên chức; giám sát dịch vụ hành chính công; giám sát quảng cáo điện tử; giám sát môi trường; giám sát an toàn thông tin; giám sát tàu cá…

Theo báo Thừa Thiên Huế online