Kinh tế xanh

Huy động mọi nguồn lực để chuyển dịch sang kinh tế tuần hoàn

Thứ năm, 21/3/2024 | 15:21 GMT+7
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) vừa phối hợp với Mạng lưới bảo tồn nguồn nước Việt Nam tổ chức tọa đàm “Huy động sự tham gia có ý nghĩa trong thực hiện kinh tế tuần hoàn và khôi phục các dòng sông chết”.

Tại tọa đàm, Phó Viện trưởng ISPONRE Nguyễn Trung Thắng cho biết, cùng với quá trình đô thị hóa nhanh, nhiều hoạt động xả nước thải từ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đã và đang tác động, gây sức ép ngày càng lớn đến nguồn nước các sông, suối và các tầng chứa nước. Hầu hết các đoạn sông chảy qua khu vực tập trung đông dân cư và khu công nghiệp, làng nghề đều bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau.

Trước thực trạng đó, việc tuần hoàn, tái sử dụng nước thải; tuần hoàn nước trong sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả trở thành yêu cầu vô cùng cấp bách. Cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn đối với sử dụng nước, xử lý nước thải sẽ giúp giải quyết các cuộc khủng hoảng nguồn nước; đồng thời giúp giảm thiểu mức độ ô nhiễm, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên và các giá trị văn hóa, lịch sử gắn liền với nguồn nước.

Tuần hoàn, tái sử dụng nước thải giúp giải quyết các cuộc khủng hoảng nguồn nước

Ông Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Mạng lưới bảo tồn nguồn nước Việt Nam (VIWACON) chia sẻ, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, VIWACON đã phối hợp với nhiều địa phương để xây dựng, triển khai một số mô hình kinh tế tuần hoàn vào quản lý rác thải sinh hoạt, thử nghiệm các mô hình tái sử dụng nước, sử dụng nước tuần hoàn. Mạng lưới VIWACON cũng không ngừng phối hợp với các bên liên quan triển khai hoạt động nghiên cứu, thực nghiệm đóng góp cho quá trình chuyển dịch sang kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Theo ông Lại Văn Mạnh, Trưởng ban Kinh tế tài nguyên và môi trường, ISPONRE, Viện đang xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Dự thảo đề xuất 5 nhóm quan điểm, mục tiêu chung và 3 nhóm mục tiêu cụ thể gắn với các chỉ tiêu để giám sát, đánh giá quá trình thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035.

Trong đó, 5 nhóm chủ đề chính lần lượt tập trung vào: nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và phát triển các thực hành tốt về thực hiện kinh tế tuần hoàn; xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thực hiện kinh tế tuần hoàn; hỗ trợ thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; quản lý chất thải để thực hiện kinh tế tuần hoàn; tăng cường liên kết, hợp tác, giám sát, đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cũng cùng nhau trao đổi, chia sẻ về các thách thức trong huy động sự tham gia của tất cả các bên và xã hội vào thực hiện kinh tế tuần hoàn. Qua đó, xác định các lĩnh vực ưu tiên trong nghiên cứu và thử nghiệm, xác định vai trò của tổ chức khoa học kỹ thuật, tổ chức phi chính phủ nhằm hỗ trợ thực thi Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Theo các chuyên gia, kinh tế tuần hoàn chỉ có thể triển khai nếu cả cộng đồng chung tay, thay đổi từ nhận thức đến hành vi. Điều này đòi hỏi cả hệ thống cải cách đồng bộ từ chính sách hỗ trợ, công nghệ, tài chính và năng lực để vận hành nền kinh tế một cách mới hoàn toàn.

Lam An (T/H)